Tại Việt Nam, nhiều người hút thuốc thường có thói quen hút trong nhà, nơi làm việc, gây ảnh hưởng sức khỏe của những người không hút thuốc, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ mang thai.
Trẻ em có lá phổi dễ bị tổn thương hơn người lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong khói thuốc lá. Đối với trẻ sơ sinh, tỷ lệ đột tử do phơi nhiễm khói thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 - 8,5 lần. Trẻ em sống trong các gia đình có người hút thuốc có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mãn tính cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với trẻ em sống trong các gia đình không có người hút thuốc. Tại Việt Nam , tỷ lệ mắc các triệu chứng hô hấp ở trẻ dưới 6 tuổi sống trong gia đình có người hút thuốc cao hơn 40% so với trẻ sống trong các gia đình không có người hút thuốc. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc viêm tai ở trẻ thường xuyên hút thuốc thụ động cao hơn so với trẻ em không hút thuốc thụ động là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Các tài liệu cũng chứng minh, hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ em. Trẻ bị hen, sống trong các gia đình có người hút thuốc hay bị tái phát bệnh và làm bệnh nặng hơn. Những người hít phải khói thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao hơn 20 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc.
Đặc biệt, người mẹ hít phải khói thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai dễ bị sẩy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh.
Vì vậy, những người hút thuốc nên cố gắng bỏ thuốc, trong khi chưa bỏ được thuốc, không hút thuốc trong nhà, không hút thuốc gần phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi.