Đừng gieo trái đắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới sáng sớm mà hai bố con ông đã làm ầm ĩ cả khu phố. Tiếng chân sầm sập, rồi tiếng hét: “Mày ra đây ngay. Không ông chém chết”.

Hóa ra anh con trai đang hầm hè bố mình. Chuyện anh ta đánh bố, chửi mẹ đã xảy ra hằng ngày, nhưng hôm nay quá hơn khi cầm dao làm náo động cả phố. Nguyên nhân cũng chỉ là anh ta đòi lấy vợ, bố mẹ không đồng ý, nên khùng lên gây chuyện. Rồi anh ta bán ti vi, xe máy, tủ lạnh và đòi ông bà đưa sổ hưu để ra ở riêng. Ông không đồng ý, thế là anh ta vác dao đuổi đánh và ông đành mặc bà vợ khóc lóc ở nhà, lánh sang hàng xóm.
Ảnh minh họa. Nguồn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ông chẳng dám kêu ai, bởi chính ông đã tạo nên “sản phẩm” này. Ngày trước khi con trai còn đang học cấp hai, đã có biểu hiện hư hỗn, bướng bỉnh, lười học. Thầy giáo cho điểm kém, nó cãi lại và bị kỷ luật. Nhà trường mời ông đến. Ông lại bênh con chằm chặp. Đến thầy hiệu trưởng phải nói thẳng: “Chúng tôi đau xót phải kỷ luật một học sinh, nhưng chính là vì cháu, vì bác. Nếu bác không nghe chúng tôi bây giờ, sau này bác sẽ phải hối hận đấy. Chúng tôi chỉ lo khi hai bác hai gậy rồi lại phải nghiến răng kêu trời”. Nhưng ông lại bảo: Không học trường này thì học trường khác và đưa con ra về. Như được đà, càng học lên, con trai ông càng lêu lổng, chơi bời. Đến bây giờ, hậu quả ông bà mới lĩnh đủ, ông mới hiểu thấu điều một người vẫn nói “một sai lầm giết cả hai thế hệ”.

Từ câu chuyện ấy để nói rằng, xét cho cùng, hậu quả của những hành vi bạo lực đến từ chính cách nuôi dạy con trong gia đình. Sự uốn nắn phải có từ những ngày trẻ còn nhỏ, không nên đáp ứng mọi ý thích của con, mà thiếu suy xét, cân nhắc lợi hại. Vốn được cưng chiều, dễ dãi nên khi trái ý chúng thường ra điều kiện "áp bức" cha mẹ để đạt mong muốn. Và từ ức hiếp, bạo lực với bố mẹ, những con người ấy dễ dàng dùng “hành động” để giải quyết mọi vấn đề ngoài xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần