Dung hòa để cân bằng cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con cái xa bố mẹ, cuộc sống "ảo" nhiều hơn cuộc sống thực khiến nhận thức, hành vi của trẻ dễ có những lệch lạc, tình cảm gia đình gặp nhiều trắc trở; đó là tình trạng đáng "báo động" trong lối sống của các gia đình tại TP hiện nay.

Ít dần những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ - con cái, trẻ đắm chìm trong thế giới của internet, game, truyện tranh… Cha mẹ ban ngày bươn chải, tối về làm bạn với facebook. Con cái xa bố mẹ, cuộc sống "ảo" nhiều hơn cuộc sống thực khiến nhận thức, hành vi của trẻ dễ có những lệch lạc, tình cảm gia đình gặp nhiều trắc trở; đó là tình trạng đáng "báo động" trong lối sống của các gia đình tại TP hiện nay.

Đánh mất ngày nghỉ hè đúng nghĩa

10 - 15 - 20 năm trước đây, bố mẹ đi làm về thường cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng, sửa soạn bữa ăn cho gia đình; Lũ trẻ con chơi bắn bi, ném lon, nhảy dây, hét hò… nghịch ngợm đủ trò chơi của mùa hè. Bây giờ thì công nghệ đang tồn tại ở mọi nơi, mọi chốn: Đi siêu thị, đi chợ, đi xem phim, đi du lịch, đi làm việc, đi họp hành… và đương nhiên, không thể vắng mặt ngay cả trên… giường ngủ của các gia đình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trẻ em TP không có những ngày hè, ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa bên cha mẹ mình. "Hè nhưng mình chỉ cho con nghỉ được 4 ngày đi nghỉ cùng gia đình, trường con vẫn nhận giữ trong suốt kỳ hè. Ngoài ra còn tổ chức 5 câu lạc bộ hè cho các con, từ câu lạc bộ Đồ rê mí, CLB Khéo tay hay làm, CLB Khám phá khoa học, CLB Bé yêu văn học, CLB Dancesport, mình đều cho con tham gia hết. Vì hai vợ chồng đi làm từ 7 giờ đến 19 mới về, không có thời gian để trông bé. Suốt cả năm, bé đều là thành viên tích cực của lớp đón muộn của trường. Khi đón về, chỉ tắm giặt cho con, cho con uống cốc sữa rồi lại đi ngủ, mai bắt đầu ngày học mới. Biết là con thiệt thòi, không được gần bố mẹ nhưng hoàn cảnh công việc, mình cũng không biết tính sao" - chị Phương Hoa, mẹ của bé Lan Ngọc (5 tuổi đang học tại một trường mầm non tư thục), nhà ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Còn với bé Quỳnh Anh (phố Hàng Chiếu, Hà Nội), mỗi mùa hè, Yến đã quá quen thuộc với các câu lạc bộ ở cung văn hóa thiếu nhi. Bố mẹ đi làm cũng không đảm nhiệm được việc đưa đón bé mà giao hẳn việc đưa đón cho người hàng xóm làm nghề xe ôm.

 Ở TP không khó để tìm cái cảnh ông bố, bà mẹ đi làm cả ngày giao con cái cho người giúp việc, học hành thuê gia sư, đẩy con cái đến các lớp học thêm, học năng khiếu… Trẻ thực sự trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình, không có người để trò chuyện, tâm giao nên càng trở thành bạn thân thiết của máy tính, internet, game, truyện…"Áp lực công việc, kiếm tiền, áp lực học tập của con cái không chỉ giảm sự tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái, mà nhu cầu học hỏi của con cái từ bố mẹ cũng không được đáp ứng. Trước "một rừng" những thắc mắc của con nhỏ mà không có thời gian giải đáp, trẻ sẽ phải tự tìm tòi, học hỏi, khám phá và phải tự thỏa mãn nhu cầu đó nhờ máy tính, internet..." - TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng chia sẻ.

Để không là “khách trọ” cô đơn

Có thể hình dung khung cảnh thường thấy ở nhiều gia đình thời nay sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng, các thành viên vẫn quây quần đầy đủ, nhưng không gian vắng hẳn tiếng chuyện trò rôm rả mà thay vào đó, mỗi người tập trung vào thiết bị di động trên tay mình. Vợ xem tiếp bộ phim dang dở, chồng đọc tin tức, đứa con lớn gõ phím smartphone liên tục, thỉnh thoảng bật cười một mình, trong khi những đứa con nhỏ tranh giành máy tính bảng chơi game... Chính cuộc sống bận rộn và sự chìm đắm trong thế giới công nghệ đã khiến các thành viên không nhận ra bầu không khí lạnh lẽo đã len lỏi vào tổ ấm khi mọi người tuy không "xa mặt" mà lại "cách lòng". Thậm chí, những bữa ăn quây quần trở nên hiếm hoi và nếu có cũng diễn ra vội vàng và ai cũng muốn nhanh quay về "tổ kén" của mình với một chiếc máy tính, một chiếc smartphone có kết nối mạng… thế nên không quá khi nói rằng chúng ta đang là những "khách trọ", đang cô đơn trong chính tổ ấm của mình.

Không thể phủ nhận tiện ích của các thiết bị công nghệ thông tin, nhưng "khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút like trên Facebook, bạn ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này khiến thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, giao lưu ngoài đời thực... trở nên ít ỏi. Chúng thực sự không tốt bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, cảm xúc chân thật và thú vị hơn" - bà Dương Thị Hạnh - Đoàn cơ sở Thư viện quốc gia Việt Nam bày tỏ.

"Chỉ khi lăn vào cuộc sống thực, sống, lớn lên trong thế giới thực, trẻ mới rèn được cách sống thực, chứ không phải là trong môi trường “ảo”. Hành vi được điều chỉnh bởi cuộc sống thực, bởi chính sự uốn nắn của bố mẹ, ông bà chứ không phải là máy tính, gấu bông hay truyện tranh. Thế giới tưởng tượng cũng tốt nhưng phải cân bằng với cuộc sống thực. Bố mẹ chính là cầu nối cho con giữa hai thế giới “ảo” - thực đó. Hãy là cầu nối cho con bằng chính sự quan tâm, trò chuyện, sẻ chia, cung cấp cho con những kiến thức cơ bản nhất và cũng nên gợi mở để trẻ có thể nắm bắt được từ kho tàng kiến thức khổng lồ trên internet. Sự tiếp xúc, học hỏi từ mẹ cha, từ xã hội thực sẽ giúp trẻ có thể có những nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, phù hợp" - BS Trần Tuấn đưa ra lời khuyên.