Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dung hòa xung đột trong chăm sóc trẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không ít người, khi mới về làm dâu, khá hợp với mẹ chồng và họ đã trở thành bạn, cùng quan tâm, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau. Nhưng khi đứa trẻ chào đời, cả gia đình ngập trong niềm vui hạnh phúc, và "cục cưng" ấy cũng trở thành tâm điểm của mọi vấn đề mâu thuẫn, dẫn đến nhiều trường hợp tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Áp lực nảy sinh
 
Một người phụ nữ kể với tôi câu chuyện buồn của mình. Chị không phải là người ngu ngơ trong chuyện chăm con. Bởi, để chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, chị đã phải học, đọc và học rất nhiều kinh nghiệm về cách chăm con.
 
Nhưng hễ đứa bé vừa khóc một tiếng, là cả nhà đổ xô vào tìm nguyên nhân, người này nói thế này, người khác bảo thế kia, cứ rối cả lên. Đặc biệt, mẹ chồng chị, bà nhất quyết muốn chăm cháu theo ý mình, tức là theo cái cách riêng của bà.
 
Còn chị muốn nuôi dạy con theo những gì được học từ các khóa làm cha mẹ, chăm sóc trẻ theo khoa học. Những ngày nắng chị muốn đưa con ra ngoài để nó dạn nắng, dạn gió và bổ sung vitamin D, bà lại bảo để nó ở nhà...
 
Dung hòa xung đột trong chăm sóc trẻ - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa
 
Từ chỗ hợp nhau, hai mẹ con ngày nào cũng xảy ra cãi vã, làm không khí gia đình trở nên nặng nề.Không chỉ mẹ chồng nàng dâu, ngay mẹ đẻ và con gái cũng xảy ra lục đục vì cách chăm trẻ. Bà Thanh (quận Thanh Xuân) sau hai tháng đến ở với con gái chăm thằng cháu ngoại đã đùng đùng bỏ về. Bà than thở: Mình làm gì nó cũng bảo là không được, là mẹ lạc hậu quá. Làm thế là không đúng... Tôi bực, để nó chăm con theo khoa học".
 
Nhiều người phụ nữ lần đầu làm mẹ rơi vào trạng thái, muốn tự tay chăm con nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm, thời gian và kiến thức. Nhờ mẹ lại sợ không đúng ý, sợ con sẽ yêu bà hơn yêu mẹ... Rồi chính sự yêu con, thương con ấy, khiến họ không kiềm chế được cảm xúc và có những hành vi phản kháng quá mức trước cách chăm sóc của mẹ chồng, mặc dù nhiều lúc chính họ chưa đúng.
 
Chị Lan (Cầu Giấy) bảo: Có lần thằng bé bị sặc, mẹ chồng chị lại vuốt ngược lưng rồi ấn nhẹ đầu cháu xuống để nó nôn thốc nôn tháo ra. Chị gắt: "Sao mẹ lại làm thế, ăn được tý thì nôn hết cả ra". Nói rồi chị bế lấy con, cố gắng để ngăn nó nôn.
 
Thằng bé càng khóc dữ vì sặc lên mũi. Lúc bình tĩnh lại rồi, chị mới nhớ đến lời một bác sỹ tư vấn cách giúp trẻ chống sặc vào phổi đúng như cách mẹ chị làm. Nhưng chị không chịu thừa nhận là mình đã sai.
 
Hai thế hệ phải hiểu nhau
 
Các chuyên gia phân tích, mẹ và con là hai thế hệ, hấp thụ những kiến thức khác nhau. Vì thế, không tránh việc từ chối cách chăm sóc trẻ của nhau. Có nhiều gia đình đã dung hòa được vấn đề này, bởi họ bình tĩnh ngồi lại với nhau, tìm cách làm cho vấn đề trở nên dễ dàng hơn với mục tiêu cuối cùng là tốt cho đứa bé.
 
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc dung hòa cách chăm sóc trẻ không phải quá khó nếu mỗi người tự bớt đi cái tôi của mình. Cuộc sống hiện đại, các cặp vợ chồng đều chọn cách sinh con  ít nên đứa bé càng trở thành thứ quý báu ai cũng muốn giành phần chăm sóc. Trong trường hợp bất đồng, cách giải quyết tốt nhất là bàn bạc để đưa ra sự thống nhất cao trong việc chăm sóc trẻ.
 
Nếu nàng dâu cho rằng bà không biết chăm cháu, cách chăm của bà là cổ hủ, lỗi thời, nên chuẩn bị sẵn đồ ăn và hướng dẫn bà cách cho ăn, uống. Với người mẹ, nếu thấy cách chăm sóc của con dâu đúng là khoa học hơn, có lợi hơn cho cháu, giúp cháu phát triển tốt hơn cũng nên thấy đó làm mừng.
 
Nhiều gia đình sống đa thế hệ nhưng vẫn giữ được hòa thuận và hiện đại. Không ít cặp vợ chồng nhận ra không thể thiếu ông bà trong việc chăm sóc, dạy dỗ các con. Nếu như không có sự thấu hiểu nhau sẽ khó đi đến hòa thuận. Để thành viên nhỏ luôn làm gia đình rộn rã tiếng cười là cả một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra và làm được.