Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng lạm dụng sự 'giải cứu'

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi các cửa khẩu biên giới Việt - Trung tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, các loại nông sản của bà con khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên như thanh long, dưa hấu, khoai lang tồn đọng khá nhiều.

Đừng lạm dụng sự 'giải cứu' - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều đơn vị, cá nhân đã tổ chức giải cứu nông sản cho bà con nông dân. Đây thực sự là hành động rất đáng biểu dương, thể hiện ý thức trách nhiệm với đồng bào khi gặp cơn hoạn nạn…
Cách giải cứu nông sản của một số tiểu thương ở huyện Phú Xuyên là hỗ trợ người sản xuất bằng việc miễn hoàn toàn cước khi vận chuyển đến các điểm bán lẻ. Mua dưa hấu với giá 5.000 đồng/kg, thì cũng bán đúng với giá đó… Việc làm này đã góp phần rất tích cực trong việc tiêu thụ nông sản. Sự giải cứu đã diễn ra đúng nghĩa, hàng chục, hàng trăm tấn dưa hấu đã được tiêu thụ một cách nhanh chóng, góp phần giúp người nông dân lúc khó khăn…
Nhưng cũng từ khi chiến dịch giải cứu nông sản bắt đầu, một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Giải Phóng, Cương Kiên… nhiều chỗ tràn ngập hoa quả. Lạm dụng danh nghĩa “giải cứu”, nhiều tiểu thương bày sầu riêng, dưa hấu, thanh long, khoai lang tràn lan vỉa hè, chắn hết lối người đi bộ. Đường phố từ chỗ phong quang, nay chỗ nào trưng biển “giải cứu” thì chỗ đó trở nên bừa bộn, thậm chí lộn xộn cảnh mua bán, đường phố trông vô cùng nhếch nhác. Đáng nói giá "giải cứu" ở đây cũng vô tội vạ, có chỗ giá dưa hấu 8.000/kg, có nơi lại 10.000 đồng/kg.
Có lẽ vì ý nghĩa của từ "giải cứu" nên các cơ quan chức năng phần nào cũng nương tay cho hành vi vi phạm trật tự đô thị. Bằng chứng là trên các tuyến đường kể trên, những người bán hàng tự treo băng rôn, khẩu hiệu với tựa đề “giải cứu”, bày biện hàng hóa bừa bãi ra hè đường, góc phố. Không chỉ riêng thanh long, dưa hấu, đến cả dừa, dứa, ngô, khoai, sắn cũng được dịp… ăn theo.
Chính vì vậy, nhiều tuyến phố bỗng dưng trở thành chợ nông sản!

Trong lúc hoạn nạn, việc “người trong một nước phải thương nhau cùng” là điều đáng hoan nghênh. Nhưng nếu lợi dụng danh nghĩa “giải cứu” nông sản để chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán là điều cần phải xem xét.