Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Quá trình phân hủy túi nilon kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy nilon có 7 tác hại lớn.
Trong đó, tác hại nguy hiểm nhất là gây ung thư, biến đổi giới tính, bởi vì những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi này có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao.
Ở nhiệt độ 70 - 80 độ C, phụ gia chứa trong túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó.
Tác hại đã rõ, chắc rằng rất nhiều người biết, nhưng việc sử dụng túi nilon dường như đã trở thành một thói quen khó bỏ. Hàng chục năm qua, các cấp, ngành, đặc biệt là các tổ chức vì môi trường sống xanh kêu gọi toàn dân từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon. Thậm chí, hàng loạt chương trình tuyên truyền rầm rộ, phát túi thân thiện với môi trường cho người đến dự, người qua đường... Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng túi nilon vẫn chỉ ở lời kêu gọi.
Vừa qua, chuyện nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đi dọc bãi biển Việt Nam bằng xe máy chụp ảnh, quay những thước phim về vấn nạn ô nhiễm càng làm cho chúng ta thấy cần phải có trách nhiệm hơn với môi trường sống. Như anh chia sẻ: "Nhìn mọi người quăng rác ra biển cảm giác xót xa trào dâng, đôi khi tôi thấy sốc, đôi khi là sự sợ hãi, thậm chí là cảm giác bàng hoàng, tiếc nuối vì những gì chúng ta đang làm với thiên nhiên, với chính những nơi nuôi sống chúng ta". Trăn trở ấy khiến trái tim chúng ta trùng xuống, nặng trĩu.
Từng bước thay đổi nhận thức, tạo những chuyển biến ngay từ thói quen sinh hoạt hàng ngày, thời gian qua một số DN đã có những cách làm khá đơn giản nhưng hiệu quả. Đơn cử như: Hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op mart Việt Nam, Siêu thị Big C Đà Nẵng, Siêu thị Big C Hà Nội... đã chuyển sang sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon được dư luận đánh giá cao.
Mới đây, trong thư gửi đến các DN trên nhằm biểu dương cách làm giúp lan tỏa ý thức về môi trường, Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường.
Trong thư có đoạn: "Tôi kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng DN, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả".
Thủ tướng đề nghị các Bộ TN&MT, Công Thương, KH&CN, TT&TT, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt tay giải quyết tình trạng lạm dụng túi nilon và "con sóng" ấy đang lan dần. Vậy thì, Việt Nam không thể "nước đến chân mới nhảy".
Mỗi người dân Việt hãy tự ý thức hơn trong sinh hoạt hàng ngày, như một việc nhỏ "đi chợ xin hãy mang theo làn hoặc túi thân thiện với môi trường"; Hành động quyết đoán bằng ý trí thông qua những chương trình bảo vệ môi trường, những chính sách mới thêm phần ưu đãi (về thuế, thuê mặt bằng...) cho các đơn vị, DN sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; tái chế rác thải... Bởi sự tàn phá môi trường đã gây ra những thảm họa lớn từ lũ lụt đến sóng thần; từ nước biển dâng đến hạn hán; thiên tai, dịch bệnh... khiến cả thế giới đau đầu.
Hãy nhìn thật sâu vào thiên nhiên để thấu hiểu sự tàn phá của chính chúng ta. Để chúng ta buộc phải hành động ngay.