Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng quá lạc quan!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GDP tăng cao, lượng kiều hối đạt kỷ lục... trong năm 2014, song theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, không nên quá lạc quan, vui mừng trước những con số thống kê.

Đừng quá lạc quan! - Ảnh 1
Lượng kiều hối năm 2014 đạt khoảng 12 tỷ USD - con số cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng đáng bàn là lượng kiều hối này không đổ nhiều vào sản xuất, kinh doanh. Ông có đánh giá gì về thực trạng này?

- Hiện, Việt Nam là một trong những nước có lượng kiều hối trên tổng GDP cao trên thế giới. Nhưng đáng chú ý là kiều hối từ Mỹ rất cao, là điều không giải thích được với mức thu nhập của đa số người Mỹ gốc Việt. Số người nhận trợ cấp xã hội và lương hưu chiếm đến một nửa những người Mỹ gốc Việt, số người này không thể gửi tiền về nước nhiều. Hiện đang có những cuộc thảo luận để tìm ra đâu là kiều hối thực chất, đâu là hiện tượng rửa tiền.

Khách quan đánh giá, kiều hối về nước giúp cải thiện cán cân thanh toán, giúp nền kinh tế có lượng tiền tươi thóc thật trong tay, lớn hơn cả số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) giải ngân được. Kiều hối hiện đổ vào nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư vào bất động sản, vàng, chứng khoán, chỉ có một lượng nhỏ đổ vào sản xuất, kinh doanh. Trước hiện tượng này cần có sự nghiên cứu, nhìn nhận công bằng, khách quan và hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư chứ không nên trách tại sao kiều hối không đổ vào sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, khu CN Biên Hòa 2, Đồng Nai.                Ảnh: Danh Lam
Sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, khu CN Biên Hòa 2, Đồng Nai. Ảnh: Danh Lam
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá vui mừng với việc GDP năm 2014 tăng 5,98% - cao hơn mức dự kiến 5,5%. Ông có chia sẻ quan điểm này?

- GDP cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, đây là thành tựu bất ngờ, liên quan đến việc Việt Nam đạt được tiến bộ trong xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu vượt kế hoạch về dầu khí và than đá. Ngoài ra, trong xuất khẩu đó có tỷ lệ đóng góp của DN nước ngoài rất lớn. Do đó, trong kết quả tăng trưởng GDP này cần phân biệt đâu là phần Việt Nam thực sự có được.

Trên thế giới, người ta phân biệt GDP với GNI, tức là thu nhập ròng mà quốc gia đó đạt được. Thu nhập ròng là GDP cộng với tiền lãi của NĐT Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển về, trừ đi số tiền lãi của NĐTNN đầu tư ở Việt Nam chuyển về nước. GNI năm 2012 thấp hơn so với GDP là 7,6 tỷ USD, tức là tính theo bình quân đầu người thì GNI thấp hơn GDP khoảng 200 USD/người. Năm 2014, theo tính toán của tôi, GNI của Việt Nam thấp hơn GDP khoảng 260 USD/người. Phân tích như vậy để chúng ta đừng lạc quan quá trước việc GDP tăng cao.

Theo ông, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 sẽ ra sao?

- Tôi hy vọng rằng, kinh tế trong năm 2015 sẽ tiếp tục ổn định về vĩ mô, đồng thời tăng cường những cải cách tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh… như Thủ tướng đã từng khẳng định.

Năm 2015, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ phải đạt 6,2%, cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao nguồn nhân lực. Đây là những mục tiêu rất quan trọng, góp phần nâng cao được hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!