Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng “tham bát bỏ mâm”

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong đó yêu cầu lắp đặt camera ghi lại hình ảnh trên xe đối với xe khách trên 9 chỗ và xe container, xe đầu kéo xong trước ngày 31/12/2021.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2021, cả nước có 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát. Cuối năm vừa qua, đã có nhiều DN, hoặc hiệp hội kiến nghị, đề xuất lùi thời hạn lắp camera giám sát, tuy nhiên, trước những động thái quyết liệt từ cơ quan chức năng, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải lắp camera giám sát tăng lên từng ngày.

Sự mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội đã tạo điều kiện để DN vận tải vực dậy sau cơn bĩ cực vì đại dịch. Nhưng rồi, các hành vi thiếu đạo đức mà không một trường - trung tâm đào tạo lái xe nào dạy bảo đã được tài xế thực hiện như tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình thiết bị camera lắp trên xe ô tô.. nhằm đối phó, né tránh việc phát hiện vi phạm trong kinh doanh vận tải. Thậm chí trên mạng xã hội xuất hiện những clip chia sẻ thực hiện cách thức tương tự.

Việc này làm dấy lên những lo ngại về an ninh trật tự trong hoạt động kinh doanh vận tải. Để chấn chỉnh, mới đây, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương tăng cường thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, trọng tâm là phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng cho cơ quan chức năng. Các địa phương, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng ngành công an, tăng cường kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt với vi phạm như tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình camera lắp trên xe ô tô kinh doanh...

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, với phương tiện kinh doanh vận tải không lắp hoặc lắp nhưng không hoạt động, lực lượng CSGT có thẩm quyền xử lý. Việc xử phạt được thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông bị phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera; phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1 - 3 tháng.

Đánh giá thực tiễn triển khai tại nhiều nước cho thấy, lắp camera giám sát giúp kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải và ATGT của lái xe, DN vận tải hiệu quả hơn. Camera giám sát không những giúp quản lý minh bạch hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao ý thức của tài xế, mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu camera để phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn.

Đặc biệt, camera giám sát giúp DN quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng và củng cố được thương hiệu trên thị trường; ngăn ngừa những vi phạm của lái xe, phụ xe… Những lợi ích lâu dài của việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đều đã thấy rõ, thế nên DN chớ đừng “tham bát bỏ mâm”.