Trong những ngày đầu tháng 11, 12, các chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội do Sở TN&MT Hà Nội công bố liên tiếp ở mức xấu. Đáng nói có ngày AQI trên 300 - mức nguy hại. Thật ra, đây không phải thực tế mới, khi từ năm 2018, chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của Ngân hàng Thế giới xếp hạng chất lượng không khí Việt Nam ở vị trí 159 trên 180 nước. Năm 2012, Việt Nam cũng đứng thứ 9 từ dưới lên ở bảng xếp hạng này. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong Top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua.
Thế nhưng điều lạ, mặc dù nồng độ ô nhiễm tăng cao nhưng vẫn chưa có sự ghi nhận nào rằng đã có sự thay đổi về tư duy và hành động đối với môi trường của mỗi cá nhân, DN, thậm chí cả các cấp chính quyền. Vấn nạn đốt rác cũng như dùng than tổ ong trong nấu nướng, hay việc vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi… góp thêm bụi độc vào không khí vẫn tồn tại. Các công trình xây dựng, nhà máy không tuân thủ đúng quy chuẩn về môi trường. Những xe đã quá hạn sử dụng, cũ kỹ gây ra lượng khí thải ô nhiễm (có thể nhìn thấy được bằng mắt thường) vẫn được sử dụng một cách mặc nhiên…
Chúng ta cứ than phiền, kêu ca, thậm chí chỉ trích và bày tỏ lo sợ nhưng rồi để đấy, coi như trách nhiệm của ai đó không phải của mình, thờ ơ với sức khỏe của ngay chính bản thân và gia đình. Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn dù liên tục kêu gọi, hô hào chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhưng lại chẳng có lấy hành động gì rõ ràng, quyết sách gì đủ mạnh và thuyết phục để tạo nên sự chuyển biến cải thiện môi trường. Học sinh vẫn phải đến trường trong khi nồng độ ô nhiễm ở mức nguy hại; người người vẫn phải ra đường vì công cuộc mưu sinh; dường như vẫn không thấy bóng dáng của xe rửa đường, đường phố bụi bặm, cây cối “được” phủ một lớp bụi dày; lổn nhổn đâu đó vẫn đào đường, thậm chí còn dùng máy thổi bụi tung mù mịt cả quãng đường. Các công trình xây dựng, từ nhà dân cho đến đô thị công cộng lẫn tư nhân vẫn hối hả gấp rút hoàn thiện các hạng mục, không che chắn hoặc che chắn cho có khiến vụn vữa, vật liệu vương vãi khắp nơi…
Ô nhiễm không khí của TP đang ở mức báo động, nhưng vẫn chưa có một quyết sách hay một hỗ trợ, hành động quyết liệt nào để ngăn chặn sự “xâm lấn” đến sức khỏe con người ngay cả khi nguy hiểm nhất. Rõ ràng, chúng ta đang nợ nhau quyết tâm tìm giải pháp lâu dài để cải thiện tình trạng môi trường đang dần tệ hơn hiện nay. Vậy nên, xin đừng mặc kệ, đừng thờ ơ với “sát thủ” thầm lặng, đừng tuyên truyền suông mà hãy cùng hành động vì môi trường.