Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng tổ chức lễ hội: Nghi lễ không mất thiêng

Linh Anh - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu Xuân Tân Sửu đến nay, tất cả các lễ hội lớn nhỏ trên toàn quốc đều không tổ chức; không còn cảnh chen chúc, tả tơi vì đi hội.

Nhiều người lo lắng, dừng hội thì hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ trong cả nước có bị mất thiêng, giảm giá trị di sản mang nhiều nét riêng biệt của Việt Nam?
Chùa chiền vắng vẻ

Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh… là những địa phương sở hữu rất nhiều lễ hội lớn và di tích quốc gia, thu hút hàng vạn khách thập phương lễ bái dịp đầu Xuân. Những địa phương này đã đóng cửa tất cả di tích và cơ sở thờ tự vì dịch Covid-19. Chính vì vậy, các di tích tại tỉnh Hà Nam, Ninh Bình… (những vùng không có dịch, được mở cửa) sẽ quá tải về lượng người tập trung một điểm.
Lác đác vài bóng người vãn cảnh du Xuân Tân Sửu tại vườn Cột kinh tại chùa Tam Chúc. Ảnh: Ngọc Tú
Tuy nhiên, du Xuân tại quần thể danh thắng Tam Chúc dịp cao điểm lễ chùa - cuối tuần đầu tiên của năm mới (mùng 9 tháng Giêng năm Tân Sửu), cảnh tượng vắng vẻ bao trùm, khác lạ hoàn toàn với hình ảnh chen chúc, xếp hàng đi qua cửa soát vé, chen nhau giành giật ở quầy ăn trong những ngày di tích đón 6 vạn hay 10 vạn người như trước đây. Bãi đỗ xe rộng vài chục nghìn mét vuông nhưng số lượng xe đỗ chỉ tầm hơn 200 chiếc, chiếm một diện tích nhỏ. Bước qua hàng rào phân luồng khách vào, 3 - 5 nhân viên mặc đồ bảo hộ nhàn nhã nhắc khách sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và thực hiện tờ khai y tế. Hệ thống xe điện xếp hàng dài, khách đến là di chuyển, chẳng phải đợi chờ cả tiếng mới được lên xe điện vào cổng Tam Quan như trước kia.
“Mọi năm dịp đầu Xuân, nhà chùa mở 3 cổng, mỗi cổng có từ 40 - 47 xe điện phục vụ hết công suất mới chuyên chở hết nhu cầu của du khách. Năm nay 2 cổng đã đóng, chỉ còn mở cổng chính. Bến xe điện trước cửa khu vực nhà khách Thủy Đình còn 47 xe/ ngày; 1/3 số nhân lực lái xe có việc làm, nhưng cũng trong tình trạng nhàn rỗi” - chủ xe điện số 37 Hoàng Minh Quân bày tỏ.

Thời gian gần, tại chùa Thiên Trù, động Hương Tích (chùa Hương); Ban Bà Chúa Kho, Ban Sơn Trang (đền Bà Chúa Kho) chỉ vài bóng người là Phật tử hỗ trợ nhà đền, chùa trông coi di tích. UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) yêu cầu Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn lập các điểm chốt để ngăn người dân, du khách thập phương đổ về chùa Hương chiêm bái.
“Ngoài 9 điểm chốt đã có, chúng tôi mới lập thêm trạm ở trước cổng đền Trình nên khó để lọt người đi lễ chui. Hàng nghìn xuồng đò đã nằm phơi trên bờ, hàng loạt hàng quán dọc hai bên đường và khu vực trung tâm Thiên Trù đều phải phủ bạt. Trong bối cảnh này an toàn sức khỏe cho người dân vẫn là quan trọng nhất” - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển bày tỏ. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã quán triệt đóng cửa các cơ sở thờ tự, dừng mọi hoạt động lễ hội, chính vì vậy cũng chẳng có đoàn lễ nào đến vay mượn, đặt lễ tại đền Bà Chúa Kho như mọi năm.

Không lo phai nhạt văn hóa

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội nhưng các nghi lễ tâm linh không vì thế mà đứt đoạn. Các cơ quan quản lý chỉ không tổ chức phần hội, không mở cửa đón du khách, tránh tình trạng tập trung đông người; còn các nghi lễ truyền thống vẫn được thực hiện cùng đại diện chính quyền địa phương và các cụ cao niên trong làng. Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) không tổ chức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng nhưng 5 giờ sáng các cụ cao niên thôn Vệ Linh, xã Phù Linh… vẫn cung tiến giò hoa tre, trầu cau, ngựa sắt… lên Phù Đổng Thiên Vương. Ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, đại diện UBND huyện Mỹ Đức cùng các cụ lại tổ chức hóa mã theo đúng nghi lễ truyền thống, trong phạm vi tập trung không quá 20 người.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp và thực hiện công điện của tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: Không khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng, nhưng tối mùng 9 tháng Giêng sẽ vẫn cử hành lễ cúng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sáng mùng 10 tháng Giêng dù không khai hội, các tăng ni tại khu di tích Yên Tử tiến hành nghi thức tâm linh tại Cung Trúc Lâm, đảm bảo quy định 5K.
“Việc không được đón Phật tử, tín đồ và bà con cũng là điều khiến chúng tôi suy nghĩ và cũng thấy buồn. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh thế này, Giáo hội tỉnh khuyến cáo mọi tăng ni, Phật tử và người dân đề cao phòng dịch trên hết, bởi vì sức khỏe con người là vốn quý nhất” - Thượng tọa Thích Đạo Hiển khuyến cáo. Khi các nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì thì nỗi lo nhạt phai văn hóa vì dịch bệnh cũng phần nào được gạt đi; đọng lại sẽ là những ứng xử văn minh của người dân trong mùa dịch.

"Lịch sử lễ hội đã từng bị tạm dừng do chiến tranh, rồi lại được nối lại trong điều kiện kinh tế - xã hội ổn định. Chính vì thế việc tạm dừng do điều kiện dịch bệnh không phải là nguyên nhân của sự phai nhạt văn hóa." - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc - TS Bùi Hoài Sơn


"Đức Phật cũng dạy tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ. Hơn nữa, Phật tại tâm, chùa cũng ở trong tâm mình cho nên cứ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Khi nào dịch bệnh qua đi, chùa còn đấy, Phật còn đấy, chúng ta lại tiếp tục về chùa lễ Phật cũng chưa muộn." - Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - Thượng tọa Thích Đạo Hiển