Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng tùy tiện với cổ tức vốn Nhà nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ có các bên liên quan, giới chuyên gia cũng tập trung bình luận về câu chuyện thu cổ tức thuộc phần vốn sở hữu Nhà nước tại VietinBank và BIDV về ngân sách Nhà nước (NSNN) khiến vấn đề này trở thành điểm nóng tuần qua.

Ai đúng, ai sai trong trường hợp này và giải quyết câu chuyện sẽ trở thành tiền lệ trong thời gian tới đây.

Phần lớn vốn Nhà nước vẫn nằm tại các DNNN

Cuối năm 2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết 57/2013/QH13 về dự toán NSNN năm 2014 nêu rõ: Thực hiện thu ngân sách đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn Nhà nước của các công ty CP có vốn góp của Nhà nước do các bộ, ngành, địa phương, đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 204/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó quy định tiền cổ tức phần vốn Nhà nước nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN, do Bộ Tài chính quản lý đặt tại TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Với các tập đoàn, TCT do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, phần lợi nhuận còn lại (sau khi trích các quỹ) được DN kê khai với cơ quan thuế và nộp vào Kho bạc Nhà nước cùng với thời điểm kê khai thuế thu nhập DN (theo quý).

Trong các nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2015, 2016 của Quốc hội sau này, đều nhắc lại yêu cầu phải tiếp tục đôn đốc 2 nguồn thu trên. Cũng kể từ đó đến nay, ước tính có gần 100.000 tỷ đồng đã nộp vào ngân sách. Trong đó phần cổ tức từ các DN có vốn Nhà nước trực thuộc các bộ, ngành, địa phương không nhiều (thường chỉ chiếm khoảng 1/5), phần lớn còn lại do các tập đoàn, TCT Nhà nước nắm giữ. Dự kiến năm 2016, con số cần thu từ 2 nguồn trên vào khoảng 55.000 tỷ đồng. Dẫu vậy theo các chuyên gia, đó mới chỉ là một phần nhỏ và dư địa của nguồn thu vẫn còn rất lớn.

Ứng xử phải công bằng

Vấn đề ở đây cũng như nguyên nhân gây tranh cãi giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VietinBank và BIDV là, hiện không có yêu cầu nào bắt buộc về việc các DN có vốn Nhà nước phải chia cổ tức bằng tiền mặt nếu có lợi nhuận. Lâu nay việc chia cổ tức bao nhiêu là quyết định của đại hội đồng cổ đông các DN… Trong trường hợp của BIDV và VietinBank, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, quy định hiện hành yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại 2 ngân hàng) phải trao đổi và thống nhất với Bộ Tài chính trước khi ra quyết định về cổ tức hàng năm. Tuy nhiên, năm vừa rồi, Bộ Tài chính không được lấy ý kiến. Liệu các ngân hàng có thực sự cần thiết phải để lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để có nguồn lực tài chính trong quá trình phát triển? Câu hỏi này phải được trả lời bằng các con số và bản kế hoạch phát triển đầy đủ, chứ không thể "bốc thuốc" chung chung như hiện nay. Nhưng theo giới chuyên gia, với nguồn lực Nhà nước đổ vào ngân hàng lớn như hiện nay, các tổ chức này cũng cần thể hiện trách nhiệm với NSNN.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, có thể thông cảm với ngành ngân hàng về việc chia cổ tức trong thời gian này, bởi các ngân hàng phải tham gia tái cơ cấu nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, một tỷ lệ cổ tức hợp lý bằng tiền mặt là yêu cầu cần thiết. Quan trọng hơn, việc yêu cầu các ngân hàng nói riêng và DN có vốn Nhà nước nói chung phải chia cổ tức bằng tiền mặt là điều nên làm nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của chính các DN. Ngăn chặn tình trạng DN có thể tạo lợi nhuận ảo và thực tế là không có tiền để chia cổ tức bằng tiền mặt. Ông Hải lưu ý một vấn đề rằng: “Thật không công bằng khi các ngân hàng có vốn Nhà nước được hưởng nhiều lợi thế, ưu ái, chi trả lương thưởng rất cao nhưng không phải đóng cổ tức cho Nhà nước. Trong khi rất nhiều DN cổ phần hóa ở vị thế kinh doanh kém hơn nhiều, thu nhập người lao động thấp hơn nhiều vẫn tích cực nộp tiền cổ tức cho Nhà nước. Đừng coi tiền cổ tức như con “bò sữa”, muốn ứng xử thế nào cũng được”.