Ban Tổ chức lễ hội giải thích rằng, do hội Gióng là một “hội trận” nên việc tranh cướp là không tránh khỏi, bởi điều này thể hiện nét truyền thống của lễ hội (?!). Thế nhưng, hình ảnh những thanh niên ngổ ngáo, xăm trổ đầy tay, xông vào tranh cướp có vẻ chẳng ăn nhập gì với "truyền thống" của người Việt! Nghe vợ ca cẩm, anh Trương, chồng chị góp lời: "Chuyện này xảy ra ở nhiều nơi lắm em ơi, không chỉ tại hội Gióng đâu!". Rồi anh kể, ở lễ hội “Đả Cầu Cướp Phết” tại xã Bản Gián, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nhiều du khách cũng bị một phen hoảng hồn vì tình trạng chen lấn, xô đẩy để cướp cầu. Thậm chí, có thanh niên còn vung dao rượt đuổi một số người dân tham gia lễ hội. Hay như ở Bắc Ninh, mặc cho việc bị dư luận xã hội (có cả một tổ chức bảo vệ động vật quốc tế) lên án dữ dội, người dân làng Ném Thượng, huyện Tiên Du vẫn nhất quyết tổ chức chém “ông ỉn” ngay giữa sân đình. Dù ban tổ chức các lễ hội đã vin vào hai chữ “truyền thống” để giải trình và trấn an dư luận, nhưng không thể phủ nhận những nghi lễ có phần phản cảm này đã và đang ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của các lễ hội, cũng như bản sắc văn hóa Việt. Phát huy truyền thống là việc làm vô cùng đáng quý và có ý nghĩa quan trọng mà toàn thể mọi người dân và xã hội cần làm. Thế nhưng, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại từ ngàn đời, thì việc loại bỏ những lễ nghi, hủ tục có thể khiến hình ảnh lễ hội xấu đi trong mắt du khách thập phương và bạn bè quốc tế là vô cùng cần thiết. Có như vậy thì quan niệm về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mới thực sự có ý nghĩa và hiệu quả trong tiến trình đất nước trên đường hội nhập.