Đừng xúc phạm thân thể, tâm lý học sinh

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành học sinh nhỏ tuổi. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt để giải quyết tình trạng này.

 Tư vấn tâm lý cho học sinh tại trường THCS Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Vũ Hoàng
Thưa ông, nhà trường luôn được coi là môi trường an toàn đối với trẻ em nhưng giờ đây không còn như vậy nữa. Ông nhìn nhận về việc này thế nào?

- Có mấy nguyên nhân cần xem xét. Thứ nhất, xuất phát từ đạo đức của nhà giáo. Không quốc gia, ngành giáo dục nào cho phép thầy bạo hành trò. Cần xem xét lại việc tuyển dụng đầu vào của các trường sư phạm, trường mầm non và phổ thông. Thứ hai, việc đào tạo về chuyên môn, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và truyền đạt, giáo dục học sinh trong nhà trường cũng đang có vấn đề. Hiện nay, rất nhiều học sinh cá biệt có hành vi ngỗ ngược, vấn đề là làm sao đưa được những kiến thức, kỹ năng về kỷ luật tích cực, không bạo lực vào giảng dạy trong hệ thống trường sư phạm cũng như cập nhật cho đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Luật Trẻ em có hiệu lực từ năm 2016 nhưng có vẻ như đội ngũ giáo viên chưa hiểu biết về quyền trẻ em và trẻ phải được tôn trọng?

- Hiểu biết pháp luật của giáo viên cũng là vấn đề được đặt ra trong câu chuyện bạo lực học đường. Giáo viên không chỉ hiểu biết quy định của Luật Giáo dục, nội quy, quy chế của ngành giáo dục và trường học mà còn cần nắm rõ pháp luật về quyền trẻ em, xử lý vi phạm hành chính, luật hình sự để có ứng xử phù hợp. Những vụ bạo lực vừa qua cho thấy, giáo viên hoàn toàn không hiểu về quyền của trẻ em, quyền của người học phải được tôn trọng. Giáo viên đừng lấy danh nghĩa giáo dục mà lại xúc phạm, hạ thấp nhân phẩm, danh dự của trẻ, gây tổn thương về mặt thân thể, tâm lý cho các em. Vì thế, những hiểu biết về mặt pháp luật, đặc biệt là quyền và bổn phận của trẻ em phải được đưa vào giảng dạy trong trường sư phạm và cập nhật đối với giáo viên đang đứng lớp ở trường phổ thông, mầm non. Những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh vừa qua ngay trong trường học có vấn đề về tâm lý. Vì vậy, ngành giáo dục cần triển khai tích cực công tác tâm lý học đường kết hợp với công tác xã hội trong trường học.

Câu chuyện bạo lực học đường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn liên tiếp xảy ra. Tới đây Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT cần có sự phối hợp thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

- Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn Luật Trẻ em đã quy định chi tiết một số điều về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ can thiệp cho trẻ bị bạo lực xâm hại. Vấn đề ở chỗ Bộ GD&ĐT cần có quy trình thống nhất để hướng dẫn cho tất cả các trường học, hiệu trưởng, cán bộ quản lý, giáo viên, tuân thủ quy trình đó. Khi trẻ em bị xâm hại, chúng ta cần phải cung cấp ngay thông tin, thông báo đến cơ quan chức năng; phối hợp hỗ trợ bảo vệ nạn nhân; phối hợp với các cơ quan tư pháp và công an để điều tra xác minh.

Hiện nay, nhiều nhà trường có xu hướng không muốn cung cấp thông tin ra bên ngoài mà tự giải quyết. Tôi nghĩ, ban giám hiệu và cá nhân không thể giải quyết được những vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em trong trường học; nên có sự phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, công an để nhanh chóng xác minh xác định mức độ vi phạm. Hy vọng, trong một ngày rất gần Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì phối hợp với chúng tôi xây dựng quy trình riêng thống nhất. Cách làm này sẽ tránh tình trạng mỗi trường hợp xảy ra, Bộ GD&ĐT lại ra một công văn chỉ đạo mà không mang lại hiệu quả.

Bộ GD&ĐT có nên quy định mức xử phạt giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh mức tiền lên tới 30 triệu đồng như trong dự thảo về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục?

- Dự thảo nghị định này của Bộ GD&ĐT đang gây ra nhiều tranh cãi, nhưng theo tôi, dư luận xã hội cần hiểu đúng. Khi giáo viên vi phạm pháp luật, gây tổn thương cho người khác trong đó có học sinh của mình thì tùy theo mức độ tổn thương, quy định của pháp luật họ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt. Tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo này của Bộ GD&ĐT. Tùy theo từng hành vi phạm gây ra, giáo viên sẽ bị xử phạt bằng tiền ở mức phù hợp.

Xin cảm ơn ông!