Dụng ý lấy tên danh nhân đặt tên phố

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 42 tên đường, tên phố mới được đồng ý đặt tên lần này của Hà Nội, có rất nhiều con phố mang tên danh nhân như Nguyễn Quốc Trị, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Ngọc Doãn…

 Con đường được mang tên danh nhân Lê Trọng Tấn.
Cách đây 10 năm, rất nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối danh nhân hóa các tên đường, đề xuất đánh số theo đô thị các nước phương Tây. Nhưng với một Thủ đô của một đất nước có bề dày lịch sử, tìm đường, tìm phố mang tên danh nhân đôi khi lại là một trải nghiệm thú vị, vì từ xa xưa cho đến nay đều được sắp xếp có dụng ý.
Không để đánh đố vì tên đường

Hà Nội có gần 400 phố mang tên danh nhân, chiếm gần 50% tên đường so với tên địa danh lịch sử, tên theo các sự kiện lịch sử, tên theo làng nghề nổi tiếng. PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá: “Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khả năng trùng lặp hệ thống tên các đường phố của các quận, huyện càng lớn hơn. Tên danh nhân, anh hùng dân tộc bị lạm dụng để đặt tên cho nhiều tuyến phố”. Chính vì vậy mới có tình trạng người Hà Nội như bị đánh đố khi các phố phường đặt tên danh nhân. Kẹp giữa khu đô thị Định Công là hàng loạt tên phố Trần Điền, Trần Nguyên Đán, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Trỗi... Hay tên đường ở khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 cũng cùng cảnh khi được bao bọc bởi con đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng... Điều này gây cản trở cho việc tìm những ngôi nhà cụ thể.

Nhưng nếu hạn chế đặt tên danh nhân, nhiều địa bàn chờ mãi cũng không tìm được tên địa danh cổ đặt tên đường mới. Ví như khu vực Yên Hòa (Cầu Giấy), cũng chỉ có Thọ Tháp gắn với tên địa danh cổ, nối liền với các khu vực đó là đường Trần Thái Tông, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết… - gồm các danh nhân lịch sử. Theo quan điểm của GS Phan Huy Lê trong cuộc họp Hội đồng khoa học đổi và đặt tên đường phố cấp TP năm 2017, không nên hạn chế đặt tên danh nhân, vì các danh nhân xứng đáng sẽ vẫn phải được đặt; nên trong 42 tên đường, tên phố mới có rất nhiều danh nhân đã được đặt tên cho các tuyến đường trên địa bàn quận Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa… như Trịnh Văn Bô, Vũ Trọng Khánh, Ngô Đình Mẫn, Nguyễn Ngọc Doãn, Tú Mỡ… Và Nhân dân ghi nhận danh nhân được lựa chọn đặt tên năm 2018 đều là những người xứng đáng, mỗi địa điểm đều mang giá trị riêng gắn với từng danh nhân đó.

Trải nghiệm lịch sử

Hiện nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành ngân hàng dữ liệu tên đường tên phố, trong đó có ngân hàng dữ liệu tên danh nhân. Trong khi tiêu chí đặt tên đường của danh nhân còn chung chung: Có công với đất nước, Hội đồng tư vấn đặt tên đường, tên phố của TP và Hội đồng xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, tên phố lại đau đầu suy nghĩ dung hòa giữa đánh giá công trạng theo huân, huy chương và theo độ yêu mến trong quần chúng Nhân dân.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội) đơn vị tư vấn chuyên ngành về đặt và đổi tên đường phố trên địa bàn Thủ đô: Tiếp nối truyền thống đặt tên của Thị trưởng Trần Văn Lai, những khu phố mới của Hà Nội được mặc định từng khu vực danh nhân theo lĩnh vực ngành, nghề. Ví dụ: Quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm sẽ mở rộng danh nhân chính trị, lịch sử, văn hóa; quận Hoàng Mai, Long Biên sẽ là danh nhân khối khoa học kỹ thuật... Tuy nhiên, cách đặt và lựa chọn vị trí tên đường chỉ mang tính tương đối. Bởi vì, sau những lần Hà Nội mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, những kết cấu tên đường, tên phố theo khu vực đã giảm độ chặt chẽ. Muốn làm lại cho có tính khoa học, theo bà Lan Anh sẽ phải thay đổi, chỉnh sửa tổng thể, và điều này là không khả thi.

Chắc chắn, dù có thay đổi thế nào, truyền thống đặt tên đường, tên phố khoa học, bài bản, gần gũi với Nhân dân sẽ vẫn được duy trì. Để rồi, mỗi người dân, mỗi du khách khi lang thang trên các con phố của Thủ đô, bên cạnh ngắm cảnh còn để trải nghiệm tên gọi lịch sử của từng con đường, con phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần