Cùng chủ trì có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.
4 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách đạt 51% dự toán
Báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh 4 tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện hết tháng 4/2022 là 158.946 tỷ đồng (đạt 51% dự toán, bằng 136,4% so với cùng kỳ). Chi ngân sách địa phương thực hiện hết tháng 4/2022 là 19.381 tỷ đồng (đạt 18,1% dự toán đầu năm, bằng 109,7% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 5.464 triệu USD, tăng 17,4% (cùng kỳ tăng 12%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 12.741 triệu USD, tăng 20,2% (cùng kỳ tăng 20,8%).
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, so với cùng kỳ, các chỉ số đều tăng mạnh và cho thấy nền kinh tế của TP đang phục hồi tích cực, có xu hướng phát triển tốt. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 11,1%). Khách quốc tế đến Hà Nội tính chung 4 tháng đầu năm đạt 85.000 lượt khách, tăng 15,2% (4 tháng đầu năm 2021 giảm 89,2%); khách trong nước đến Hà Nội đạt 381.000 lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2021 tăng 22,1%). Lũy kế đến hết tháng 4, thu hút vốn FDI đạt 586,55 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 995,2 tỷ đồng với 8 dự án.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, TP đã điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong tình hình mới. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi với Lễ phát động “Hà Nội đếm ngược 31 ngày hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31”; khách tham quan di tích tháng 4 tăng hơn 300%, doanh thu phí tăng 292% so với 3 tháng đầu năm. Công tác phục vụ SEA Games 31 được tập trung thực hiện.
Ngoài ra, TP đã giải quyết việc làm cho 74.170 lao động (đạt 46,4% kế hoạch năm và tăng 22,3% so với cùng kỳ). Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 91,74% dân số. Tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, số ca mắc Covid-19 giảm. Đồng thời, công tác quốc phòng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện tốt, duy trì. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, TP đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 2,631 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bảo hiểm xã hội TP chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia BHTN và người lao động tạm dừng BHTN, với tổng số tiền trên 4.112.837 triệu đồng…
Báo cáo nhanh về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đây là một trong 5 vành đai của thành phố Hà Nội.
Dự án là sự cụ thể hóa đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trên cả nước có khoảng 2.000km đường bộ cao tốc. Đây còn là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24/1/2022, của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; xây dựng Thủ đô trở thành một trong những cực tăng trưởng của cả nước, phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và lan tỏa liên kết vùng đô thị...
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng...
Cử tri đánh giá cao việc phòng chống dịch và chống tham nhũng
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân TP Hà Nội gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và TP Hà Nội với các biện pháp hiệu quả nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo đời sống Nhân dân trước những biến động khó lường của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân, thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh thời gian gần đây, nhiều đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội thổi phồng những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của những người bị nhiễm Covid-19 để quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19, thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân. Nhân dân TP kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp này.
Cử tri cũng phản ánh, trên thực tế rất nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn vì đại dịch và cần hỗ trợ nhưng lại không tiếp cận được vì không có đăng ký kinh doanh. Nhiều lao động chưa tham gia BHXH đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng BHXH nên khi bị hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương không được hỗ trợ....
Cử tri và Nhân dân Thủ đô mong muốn Quốc hội có chủ trương, nghị quyết, định hướng cụ thể để ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tháo gỡ khó khăn hiện nay của ngành về tình trạng thiếu giáo viên, tổ chức nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo...
Ghi nhận những kết quả tích cực trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều địa phương, cử tri cũng cho biết, thời gian gần đây dư luận quần chúng Nhân dân đặc biệt quan tâm đến một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên lĩnh vực y tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Từ đó, cử tri đề nghị Công an để sớm thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến sai phạm đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Đồng thời, mong muốn Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật PCTNTC để phù hợp với tình hình hiện nay, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư...
Tin tưởng vào công tác chỉ đạo, điều hành T.Ư, thành phố
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của T.Ư, TP Hà Nội, góp phần giúp TP thực hiện tốt công tác thích ứng an toàn và giúp TP đạt mục tiêu kép khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã dần hồi phục. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đây là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tổ chức tốt Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Nêu thực trạng bất cập trong thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP hiện nay, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong rằng, TP sẽ thực hiện quy hoạch đã thông qua theo hướng không tập trung rác thải vào 1-2 địa điểm như hiện nay. Đồng thời lưu ý, việc áp dụng công nghệ đốt rác phát điện không chỉ dừng lại ở xây dựng nhà máy mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện, trong đó đặc biệt là vấn đề phân loại rác thải.
Đại biểu Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định, bức tranh kinh tế - xã hội của Thủ đô những tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc với nhiều điểm sáng, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt rất cao so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị TP quan tâm tới một số nội dung được cử tri gửi gắm qua các kỳ tiếp xúc như: Tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa tới y tế tuyến cơ sở; đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch nông thôn; đầu tư các tuyến đường liên xã, liên huyện; thực hiện các giải pháp cải tạo môi trường tại các sông hồ, làng nghề…
Đại biểu Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp vừa qua nhưng giữ được Hà Nội an toàn như hiện nay là kết quả đặc biệt đáng ghi nhận. Đồng thời, chúc mừng Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội, dự án lớn liên quan đến khả năng phát triển TP thời gian tới. Với góc độ ngành GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao việc Hà Nội đã triển khai kế hoạch về đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống trường chuẩn quốc gia trên địa bàn TP.
Tích cực triển khai một số nhiệm vụ lớn để phát triển Thủ đô
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu cũng như cử tri đã phản ánh, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã giải trình liên quan đến 3 nội dung. Cụ thể, về việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian tới, căn cứ chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP sẽ bám sát các nội dung Nghị quyết để ban hành các Chương trình, kế hoạch chi tiết, xây dựng lộ trình, tiến độ và giải pháp cụ thể để thực hiện từng chỉ tiêu, mục tiêu.
Đối với vấn đề triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch UBND TP cho biết, sáng 18/5/2022, TP Hà Nội đã có tham luận tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và báo cáo T.Ư với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị T.Ư 3 nhóm vấn đề lớn về cơ chế chính sách, sửa đổi Luật và đẩy mạnh liên kết Vùng, triển khai các dự án trọng điểm có tính phát triển hạ tầng khung, đảm bảo kết nối đồng bộ theo định hướng Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đối với vấn đề sửa đổi Luật Thủ đô, hiện nay, TP đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022 để bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
Bên cạnh 3 nội dung nêu trên, Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, TP cũng đang tích cực triển khai một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô như: Đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các bước để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận…
Tăng cường giám sát, đồng hành trong triển khai nhiệm vụ
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.
Lưu ý các nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với TP trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc các hoạt động, chủ trương chỉ đạo, lãnh đạo của TP để có thêm thông tin thực tiễn của địa phương tới nghị trường của Quốc hội. Nhất là tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát, đồng hành cùng TP triển khai các nhiệm vụ sắp tới.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy đề nghị Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các sở, ngành TP tiếp thu các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội để triển khai quyết liệt hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm; tập trung bổ sung góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của T.Ư, TP; triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng, các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, để hoàn thành 22/22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2022.
Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND TP về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo; một số dự án xây dựng cơ bản trong nhiệm vụ chi cấp TP.
Đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cơ quan thành phố tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay sau khi Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường này, Hà Nội sẽ thực hiện ngay.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tránh tâm lý chủ quan, lơ là; quyết tâm thực hiện tốt việc tiêm vaccine. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trước mắt, Bí thư Thành ủy yêu cầu, tập trung thực hiện nhiệm vụ cùng 12 tỉnh, TP tổ chức SEA Games 31 tại Thủ đô Hà Nội gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức các môn thi đấu, bảo đảm an ninh, an toàn cho SEA Games 31. Nỗ lực vì một SEA Games thành công tốt đẹp, an toàn, để lại ấn tượng sâu đậm trong bạn bè quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại, thu hút du khách trong và ngoài nước góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ.