Được sống bằng trái tim người khác

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Đứng trước lằn ranh sinh tử vì căn bệnh suy tim, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Nam Tiến (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã được sống lại lần thứ hai khi đón nhận trái tim từ một ân nhân.

Mẹ thân sinh của ân nhân đó là bà Cấn Thị Ngần (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Lời trăn trối trên giường bệnh

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Nam Tiến trong một lần trở ra Hà Nội, lên Bệnh viện Quân y 103 khám sức khỏe. So với thời điểm phải vào viện điều trị triền miên cách đây chừng một năm, trông anh béo khỏe hơn nhiều. Là quân nhân chuyên nghiệp trên tàu CSB 2012 thuộc Hải Đội 201 (Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2) đóng quân tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), anh Tiến luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được thủ trưởng và đồng nghiệp đơn vị đánh giá cao.

Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì bất hạnh bỗng dưng ập đến. Tháng 3/2015, anh Tiến phát bệnh, phải vào điều trị tại Bệnh viện Quân y Quân khu 4 (Thừa Thiên Huế). Chỉ ba tháng sau, anh phải chuyển lên Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) để chẩn trị do bệnh ngày một nặng hơn. Các bác sĩ đã khám và kết luận: Anh mắc bệnh cơ tim thể xốp, suy tim cấp độ 4.

Với anh Nguyễn Nam Tiến, bà Cấn Thị Ngần như người mẹ thứ hai. Ảnh: Trọng Tùng

Chỉ sau vài tháng, anh Tiến từ một chàng trai khỏe mạnh, nặng gần 58kg đã giảm còn 46kg. Khi sức khỏe của anh suy giảm trầm trọng, các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã cấy máy tạo nhịp tim vào lồng ngực và tiên liệu cuộc sống của anh chỉ còn được tính bằng tháng.

Bản lĩnh của một người lính giúp anh cứng rắn và mạnh mẽ đối diện với sự thật. Nhưng trong thâm tâm anh, lại không nguôi nỗi âu lo cho những người ở lại. Anh thương người mẹ già đã ngoài 85 tuổi, cậu con trai khi đó mới 5 tuổi. Còn người vợ trẻ đang mang thai cô con gái tháng thứ tám, rồi sẽ sống ra sao? Những ngày tháng bế tắc khiến đêm nào anh Tiến cũng trằn trọc, không ngủ được. Thời điểm bác sĩ thông báo sức khỏe anh đã rất nghiêm trọng, biết mình có thể ra đi bất cứ lúc nào, anh Tiến đã đôi lần trăn trối với người thân, họ hàng trong gia đình thay anh chăm sóc cho vợ và hai đứa con thơ.

Nhớ lại những ngày tháng đó, vợ anh Tiến - chị Hoàng Như Phương cho biết đó là những tháng ngày đau buồn nhất của gia đình. “Đêm nào anh cũng nhắc tôi rằng: Mai này khi anh không còn, nhất định phải đi bước nữa để có người đỡ đần cho đỡ vất vả. Tôi nghe mà nước mắt cứ chảy dài…” - chị Phương xúc động kể lại.

Sự sống quay trở lại

Những tưởng anh Tiến khó có thể qua khỏi, thế nhưng tin vui bất ngờ đến. Buổi chiều ngày 27/7/2016, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thông báo đã có người hiến tim cho anh Tiến. Anh Tiến cùng người vợ khi đó đang mang bầu hơn 8 tháng vội bắt chuyến xe ngay trong đêm trở ra Hà Nội. Ngày các bác sĩ yêu cầu người thân ký vào biên bản chấp thuận rủi ro có thể xảy đến khi phẫu thuật mổ tim, đôi tay chị Hoàng Như Phương run run, bởi chị biết, cơ hội dành lại sự sống cho chồng cũng chỉ là 50 - 50. Các bác sĩ Khoa tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) sau đó đã tiến hành ca mổ kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Và chỉ khi các bác sĩ tận tâm của Bệnh viện Việt Đức bước ra khỏi phòng mổ, thở phào và nở một nụ cười, tất thảy người thân của anh Tiến mới vỡ òa khi sự sống đã thực sự quay trở lại với anh.

Trong câu chuyện của mình, anh Tiến nói rất nhiều tới sự may mắn của đời mình. Không chỉ bởi đã được nhận trái tim của một người không hề quen biết, mà còn nhờ sự động viên, khích lệ, điều trị tích cực của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức trong suốt những tháng ngày chờ được ghép tim. Sau ca ghép tim thành công, hiện nay, sức khỏe của anh Tiến đã cơ bản ổn định. Dù vậy, hàng tháng, anh vẫn phải bắt xe trở ra Hà Nội để khám, điều trị trong một vài ngày.

Lần gặp lại anh cuối tháng 6/2017 vừa qua, thấy chị Phương vui vẻ hơn rất nhiều. Chúng tôi hỏi chuyện vui chị rằng: Sau khi ghép tim, chồng có thay đổi tâm tính gì không?

Chị Phương tủm tỉm cười: “Không anh ạ. Ảnh còn yêu thương vợ con nhiều hơn cả ngày trước ấy chứ”. Từ ngày chồng bị bệnh, chị đã phải nghỉ việc. Gia tài được đem đi bán để chạy chữa nên gần như khánh kiệt. Dù cuộc sống hiện nay của đôi vợ chồng và hai đứa trẻ (một 6 tuổi, một 10 tháng tuổi) còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng với chị Phương: May mắn lớn nhất là chị vẫn còn người chồng bên cạnh. Chị bảo: Cuộc sống đã thực sự ưu ái khi không lấy đi của chị tất cả.

Trân quý tấm lòng người mẹ

Người đã mang tới cuộc sống lần thứ hai cho Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Nam Tiến chính là bà Cấn Thị Ngần. Căn nhà của bà Ngần ngày chúng tôi ghé thăm mới được quét lại màu sơn mới. Trong ngôi nhà cũng tuềnh toàng như bao căn nhà khác ở thôn Độ Lân (xã Tuyết Nghĩa), bà Ngần hiện chỉ sống một mình. Hoàn cảnh của bà Ngần hết sức đáng thương. Chồng mất từ năm 1990. Ba người con cũng không gặp may mắn trong cuộc sống. Người chồng của cô con gái đầu Trịnh Bích Ngọc bị đột tử, qua đời từ năm 2015. Con trai thứ hai Trịnh Đình Đồng liên tục gặp tai nạn, hiện sức khỏe rất yếu; là người đàn ông nhưng không là trụ cột gia đình. Sau sự ra đi của người con thứ ba Trịnh Đình Vang, căn nhà trống huơ trống hoắc. Chỉ còn người phụ nữ nay đã gần 50 tuổi, vào ra mỗi ngày.

Nhắc lại câu chuyện cũ, bà Ngần lại rơm rớm nước mắt vì thương cho người con trai xấu số. Rạng sáng ngày 27/7/2016, con trai bà Ngần là anh Trịnh Đình Vang (SN 1986) không may bị ngã từ trên ban công xuống đất. Gia đình vội vàng đưa lên Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ chẩn đoán anh Vang đã bị chết não; sự sống chỉ còn tính bằng giờ. Trong giờ phút đó, bà Ngần được các y, bác sĩ gợi ý hiến tạng để cứu giúp những người đang cần được phẫu thuật cấy ghép. Bà Ngần trong lòng vô cùng đau xót. Nhiều người thân cũng can khuyên không nên. Nhưng trong thâm tâm ba Ngần lại suy nghĩ khác, bởi con trai bà đã chẳng thể nào còn quay trở lại. Nén đau thương, bà quyết định ký vào giấy xác nhận hiến mô tạng con trai. Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của bà Ngần. Giờ đây khi được hỏi: Liệu có hối hận với việc đã làm?, bà Ngần vẫn kiên định: Nếu được lựa chọn, sẽ vẫn làm phúc cứu người! Ngoài trái tim khỏe mạnh, nhiều trường hợp người bệnh sau đó còn được nhận những phần mô tạng khác từ anh Trịnh Đình Vang do người mẹ hiến tặng. Anh Nguyễn Xuân Hưng (ở Hòa Bình) đã tìm lại được ánh sáng nhờ giác mạc của anh Vang. Hai anh chị Trần Thị Hậu (quê Phú Thọ) và Nguyễn Văn Cường (ở Sơn La) cũng được nhận thận để tiếp tục sự sống. Điều đáng mừng là tất thảy hiện đều rất khỏe mạnh.

Dù khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng hàng tháng, khi quay trở lại Hà Nội điều trị, anh Tiến lại bắt xe về huyện Quốc Oai để được tận tay thắp nén nhang gửi người ân nhân đã mang đến cho mình cuộc sống lần thứ hai trong đời. Lại có những ngày, bà Ngần bắt xe lên Bệnh viện Quân y 103 để thăm anh Tiến.

Không chỉ anh Tiến mà tất cả những người được nhận giác mạc, thận từ anh Trịnh Đình Vang đều coi bà Ngần như “người mẹ thứ hai”. Trong căn nhà của bà Ngần, bức tranh với tựa đề “Bóng Cả” kèm theo hai câu thơ: “Cảm ơn mẹ sinh ra con thêm lần nữa/ Công ơn này con nguyện mãi khắc ghi”, được treo trang trọng. Đó là món quà của anh Tiến và những người đã được sống nhờ tấm lòng rộng mở, tình yêu thương bao la của người mẹ. Với bà Ngần, niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là việc anh Tiến, cũng như những trường hợp được nhận giác mạc, thận từ người con trai xấu số năm nào, được sống mạnh khỏe. Để rồi sau tất cả, khi câu chuyện xúc động khép lại, bà Ngần có được niềm an ủi từ hạnh phúc của những “người con”. Anh Tiến, chị Hậu, anh Hưng, anh Cường lại có thêm một “người mẹ”, để hàm ơn cuộc đời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần