Đường băng sân bay Nội Bài chính thức được khai thác

Thể Ny/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 23/4, đường băng 11R/29L sân bay Nội Bài - Hà Nội chính thức được khai thác.

Theo quyết định Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Nội Bài khai thác trở lại đường băng 11R/29L (gồm đường cất hạ cánh 11R/29L; đường lăn S1 đầu 11R; đường lăn S6 và đường lăn S1A); đưa vào khai thác đường lăn P4, P7, S6B thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài.

Hệ thống đèn tín hiệu và biển báo đường CHC 11L/29R, CHC 11R/29L và các đường lăn cũng đã được Cục Hàng không VN cấp phép đưa vào hoạt động 24/24h, bắt đầu từ 7h sáng nay.
Cục Hàng không VN cũng đã ban hành quyết định điều chỉnh tham số điều phối đường cất hạ cánh tại Cảng Hảng không quốc tế Nội Bài. Cụ thể, từ 7h ngày 23/4 đến 23h59 ngày 30/4, áp dụng 40 lượt cất - hạ cánh/giờ từ 6h-23h55 và 30 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 0h-05h55 (giờ Hà Nội) thay vì 23 chuyến/giờ trước đó.

Cảng HKQT Nội Bài đã có văn bản thông báo đến các hãng hàng không, cơ quan, đơn vị liên quan biết để phối hợp điều hành hoạt động bay tại cảng; phối hợp với Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện thông báo tin tức hàng không theo quy định.

Việc đưa vào khai thác các đường cất hạ cánh, đường lăn và điều chỉnh tham số điều phối đường cất hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài giúp tăng năng lực khai thác tại Cảng và kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè 2022.

Được biết, dịp này, sản lượng vận chuyển qua Cảng HKQT Nội Bài, đặc biệt là sản lượng vận chuyển nội địa dự kiến đạt 500 lượt chuyến bay và gần 80.000 lượt khách quốc nội/ngày. Để đảm bảo năng lực khai thác đáp ứng các khung giờ cao điểm, cảng Nội Bài đã rà soát, tính toán năng lực của nhà ga hành khách để điều chỉnh phương án khai thác hiệu quả.

Trước đó, từ năm 2017-2019, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10 nên hệ thống đường cất-hạ cánh, đường lăn của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo tiêu chuẩn thiết kế, cần phải cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn. Nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải đóng cửa đường băng, dừng khai thác hoạt động bay, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, đối ngoại quốc gia, cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động hàng không.

Tương tự sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất - TP. HCM cũng bị quá tải, hệ thống đường cất - hạ cánh xuống cấp nghiêm trọng; không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025. Do vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn các sân bay này là hết sức cấp bách.

Tháng 3/2020, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất - hạ cánh và đường lăn các Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT chính thức khởi công Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ - cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ; tổng mức đầu tư của 2 dự án này là hơn 4.000 tỷ đồng (mỗi sân bay hơn 2.000 tỷ đồng).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần