Đường bộ, đường sắt vẫn nặng gánh lo

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/7, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm.

Tại Hội nghị, vấn đề xe quá tải, kinh doanh yếu kém và tai nạn giao thông (TNGT) trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt được các đại biểu quan tâm hơn cả.

13 tỉnh, thành chưa tái khởi động trạm cân

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, các trạm cân tải trọng xe trên toàn quốc đã tiến hành kiểm tra 147.578 xe, trong đó có 16.861 xe vi phạm (chiếm tỷ lệ 11,4%), tước 5.201 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vẫn cho rằng, lực lượng Thanh tra GTVT còn mỏng, một số địa phương vào cuộc chưa mạnh mẽ nên tình trạng xe quá tải có hiện tượng tái diễn, nhất là trên các tuyến QL1, QL10, QL14, đường Hồ Chí Minh...; tại các khu vực có nhiều mỏ vật liệu ở Yên Bái, Lào Cai…

Lực lượng chức năng xử lý xe chở đất quá tải tại Pháp Vân - Cầu Giẽ.  Ảnh: Khánh Hồng

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, từ khi kết thúc kế hoạch liên ngành Công an và GTVT, đã có hàng loạt trạm cân lưu động tạm dừng hoạt động. Hiện nay, cả nước vẫn còn 13 trạm cân lưu động ở các tỉnh, thành chưa đưa vào hoạt động gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Đắk Nông, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Tổng cục Đường bộ đã đề nghị các địa phương nêu trên khẩn trương sắp xếp, bố trí lại lực lượng, đưa trạm cân lưu động vào hoạt động trở lại.

Thanh tra các Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ cần siết chặt kiểm soát tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi; tăng cường kiểm tra xe siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Văn Huyện nêu ý kiến: “Thứ trưởng Lê Đình Thọ và tôi đã đi kiểm tra, và từng thấy đường sắt vẫn cho các xe chở hàng quá tải ra vào các ga. Đề nghị Cục Đường sắt tăng cường kiểm tra, từ chối phục vụ xe quá tải”.

Không để gia tăng lối đi tự mở

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, 6 tháng vừa qua, sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của đơn vị đều có sự tăng trưởng, dù tỷ lệ không quá cao. Do các tuyến vận tải đường dài không phải là lợi thế nên Tổng Công ty đang tập trung vào khai thác tuyến ngắn. Tuy nhiên, hiện nay, vận tải đường sắt Hà Nội có khoảng 500 toa xe, nhưng chỉ có khoảng 85 toa xe đạt chất lượng cải tạo. Bên cạnh đó, nhược điểm tệ nhất, tồn tại đã lâu trong ngành đường sắt là chất lượng vệ sinh. Tới đây, Tổng Công ty sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp làm vệ sinh hai đầu hành trình, còn trên hành trình sẽ do nhân viên đảm nhiệm.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh thông tin thêm, TNGT trên đường sắt có giảm nhưng chỉ cần lơ là sẽ lại gia tăng. Dẫn chứng ngay hai tháng đầu năm nay, TNGT đường sắt đột ngột tăng nhanh, số người chết tăng đến hơn 20%. Hay như trong tháng 7 này, chỉ một tuần đã có tới 5 vụ TNGT đường sắt làm 5 người chết. “Ngành đường sắt đã phá bỏ 231 lối đi dân sinh, đồng thời cũng ban hành kế hoạch cho các tháng cuối năm vì cứ xảy ra tai nạn là đường sắt thiệt” - ông Minh nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, ngành đường sắt đang chậm tiến và đi giật lùi. DN không thua lỗ là vì “ăn sẵn” từ sau khi cổ phần hóa. Ngành đường sắt cần khẩn trương tìm nguồn tài chính để thay đổi các toa xe; tập trung phát triển kinh doanh trên các tuyến ngắn vì tuyến Bắc - Nam không thể cạnh tranh được với hàng không. Đối với các đường ngang giao cắt tự phát, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu trong Luật Đường sắt phải sửa lại cách gọi là “lối đi tự mở” chứ không thể dùng từ “lối đi dân sinh”. Tổng Công ty Đường sắt cần tích cực phối hợp với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua để ngăn tình trạng gia tăng đường ngang dân sinh tự phát nhằm kéo giảm TNGT.

Thời gian qua, Hà Nội đã rất thành công trong việc điều chuyển luồng tuyến xe khách; các đơn vị vận tải về cơ bản đã chấp hành tốt. Một số nơi như Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng nên làm theo Hà Nội, chủ động trong việc điều chuyển xe khách ra khỏi nội đô để tránh UTGT.
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT
6 tháng đầu năm đã duy tu bảo dưỡng được hơn 20.000km, sửa chữa 

định kỳ hơn 1.000km; còn trên 8.500km đường QL sắp đến thời điểm phải duy tu. Tổng Cục Đường bộ đã ra văn bản nhắc nhở một số Sở GTVT địa phương về việc nhận ủy thác quản lý đường QL nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Huyện Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần