Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được áp dụng thí điểm hình thức PPP

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được nỗ lực triển khai cho kế hoạch thông xe vào năm 2020.

KTĐT - Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được nỗ lực triển khai cho kế hoạch thông xe vào năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo mô hình thí điểm đầu tư theo hình thức Đối tác Công - Tư (PPP).

Thủ tướng cũng chấp thuận Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) là Nhà đầu tư thứ nhất, Công ty tài chính quốc tế (IFC-thuộc thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) là nhà đầu tư thứ hai, Nhà đầu tư thứ ba được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Bộ Giao thông vận tải sẽ thẩm đinh, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính và cơ chế quản lý Dự án; trên cơ sở đó xây dựng và ban hành cơ chế thí điểm thực hiện Dự án theo hình thức PPP.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn.

Được biết, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được nỗ lực triển khai cho kế hoạch thông xe vào năm 2020.

Mô hình Đối tác Công - Tư (PPP) là cho phép tư nhân (có nguồn vốn góp) được thực hiện các dự án, công trình của Nhà nước một cách rộng rãi, Nhà nước có tư cách là cơ quan đảm bảo hoặc là cơ quan góp vốn ban đầu.

Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc sẽ có 6 làn xe, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe. Quy mô tuyến đường đã được xác định theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. 

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ), tạo thành tuyến đường cao tốc liên tục dài gần 400km đi qua phần lớn các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết cả khu vực rộng lớn miền Trung với miền Nam.