Đường cấp nước tại khu tập thể cũ: Nguy hiểm rình rập

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ gây lãng phí nước, tăng chi phí tiền nước mỗi tháng, rò rỉ đường ống dẫn nước còn gây ra những thiệt hại cho các công trình, chất lượng nước sạch không đảm bảo...

Nhu cầu cấp thiết

Theo ghi nhận, tại một số khu tập thể cũ trên địa bàn TP Hà Nội như Thành Công, Tân Mai, Giảng Võ, Nghĩa Tân…, hầu hết đường ống cấp nước được lắp đặt cách đây hàng chục năm, có nhiều chỗ đã xuống cấp.

Đường ống nằm lộ hiên bên ngoài khu nhà tập thể cũ
Đường ống nằm lộ hiên bên ngoài khu nhà tập thể cũ

Không ít khu chung cư, tập thể cũ trên địa bàn TP được xây từ những năm 1960, 1970, hệ thống đường ống dẫn nước bằng gang, thép mạ kẽm đã bạc màu, nứt gãy, hoen gỉ khiến nước đầu ra có mùi tanh lẫn cặn bẩn.

Để cải thiện cuộc sống, nhiều gia đình tự cải tạo đường nước, đấu nối thô sơ, vá víu… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xây dựng, quy hoạch, chập cháy.
Nhu cầu nước sạch luôn cấp thiết, nhất là thời điểm Hè đang đến gần. Nhiều hộ dân vẫn phải loay hoay tìm nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, chấp nhận nguy hiểm trước hệ thống xử lý nước thải đều không đáp ứng tiêu chuẩn, xả thẳng ra cống thoát nước bên ngoài.

Chị Nguyễn Hà Thu, đang sinh sống tại khu tập thể Nghĩa Đô, giáp với phố Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ, tình trạng xuống cấp đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các hộ dân sinh sống tại đây. Nước sinh hoạt được cấp thông qua hệ thống đường ống nằm lộ thiên, lâu ngày dẫn đến bạc màu, nứt gãy khiến nền đất luôn ẩm ướt.

"Các hộ gia đình muốn dùng nước sạch đều phải sắm máy lọc và đun sôi để nguội mới dùng được để đảm bảo sức khỏe. Nhưng cứ rò rỉ nước với nhiễm bẩn gây hao hụt thế này mà còn sắp vào Hè, nhu cầu sử dụng nhiều hơn cùng với tiền nước sắp tăng, khiến gia đình luôn lo lắng" - chị Thu cho hay.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, đường ống nước bằng nhựa khi sử dụng lâu ngày thì những bộ phận bên trong có thể bị mài mòn hay lỏng lẻo do lực nước tác động thường xuyên. Điều này khiến cho các khớp nối đường ống nước có vết hở nên dễ dàng rò rỉ ra bên ngoài, có thể làm hỏng trần nhà, sàn nhà, tường, thảm, đồ nội thất...

Hơn nữa, những nguy cơ về mức độ nhiễm chì nguồn nước trong những đường ống bằng nhựa đang là vấn đề nhức nhối. Bởi, nếu sử dụng nguồn nước có chì lâu dài sẽ gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc kim loại cấp tính và nặng hơn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, gây các bệnh ung thư đường ruột, gan, thận, dạ dày.

Điều đáng nói, ngay cả khi khoảng cách giữa các đường ống cấp và thoát nước được đặt theo quy định, thì nguy cơ chất ô nhiễm trong dòng chảy rò rỉ từ mạng lưới thoát nước sang ống cấp nước vẫn có thể xảy ra khi tồn tại điểm vỡ và áp suất âm trong ống cấp nước.

Ngoài ra, lớp ron cao su (hay vòng đệm cao su) – bộ phận giúp bịt kín các vị trí tiếp nối cũng có thể bị ăn mòn, biến tính và "lão hóa" mất đi độ đàn hồi hoặc bị gãy sau một thời gian sử dụng. Khi đó, hệ thống sẽ không còn bịt kín tuyệt đối như ban đầu và nước có thể rò rỉ ra ngoài.

Thay đổi chất liệu, nên hay không?

Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa cho biết, để thay thế các hệ thống đường ống bằng gang thép đã cũ từ nhiều thập niên trước thì hiện nay nhựa là vật liệu phổ biến cho các công trình dân dụng.

Ống nhựa được sử dụng cho hệ thống cấp nước, thoát nước, xả và ống vệ sinh nước thải, hệ thống thoát nước ngầm; ống nước mưa và ống ren để lắp đặt dây cáp điện.

Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận, so với nhựa thì kim loại (như đồng và inox) đang được đánh giá là vật liệu tối ưu hơn, có thể khắc phục được hầu hết các nguyên nhân gây rò rỉ đường ống dẫn nước. Độ bền của ống kim loại cao hơn gấp 8 - 10 lần so với ống nhựa, có khả năng chống ăn mòn tuyệt đối, chịu được áp lực nước cao và va đập mạnh.

Đường ống nằm lộ hiên bên ngoài khu nhà tập thể cũ.
Đường ống nằm lộ hiên bên ngoài khu nhà tập thể cũ.

Hiện tại, trên thị trường các loại ống làm bằng inox được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và thiết bị gia dụng. Về dân dụng mới chỉ đưa vào các khớp nối ống nhựa, ở những đoạn gấp khúc, dễ bị rò gỉ. "Tuy nhiên, sản phẩm ống nước bằng đồng có chi phí quá cao nên không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Trong khi đó, ống cấp nước bằng inox chưa có mặt tại thị trường nội địa mà mới phổ biến tại Trung Quốc và Italia. Từ nhu cầu cuộc sống, đòi hỏi thời gian tới cần có những DN lớn trong nước tiên phong đưa vật liệu này vào sản xuất ống nước, phục vụ các công trình dân dụng, nâng cao chất lượng đời sống người dân" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho hay.

 

Với giá thành rẻ, ống nhựa (bao gồm ống PVC, HDPE và PPR) được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, việc thi công ống nhựa chủ yếu bằng phương pháp hàn nhiệt và dán keo, chất lượng các mối nối phụ thuộc nhiều vào tay nghề và sự cẩn thận khi thi công của người thợ.
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building
Trần Văn Hòa

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần