Đường dài bơi ra biển lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, giới mộ điệu Việt Nam hướng về nước Nga, nơi có giải bơi lội thế giới 2015. Sân chơi xa lạ, xa xôi như thế lại khiến dư luận quan tâm là bởi nơi đó có “tiểu tiên cá” Ánh Viên thi đấu.

Kỳ vọng vào “tiểu tiên cá”

Trước khi giải vô địch bơi lội thế giới diễn ra, giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng vào Ánh Viên. Người ta hy vọng, lần đầu tiên bơi lội Việt Nam sẽ có một vận động viên (VĐV) được đứng trên bục nhận huy chương ở sân chơi đỉnh cao. Và thực tế là để chuẩn bị cho lần vượt vũ môn này, Ánh Viên thậm chí còn không có kỳ nghỉ sau SEA Games 28. Nữ kình ngư trẻ tuổi sau buổi lễ mừng công đã ngay lập tức lên đường sang Mỹ để luyện tập.
Đường dài bơi ra biển lớn - Ảnh 1
Sự kỳ vọng của dư luận Việt Nam dành cho Ánh Viên lớn đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử, VTV quyết định mua bản quyền giải đấu vốn quá đỗi xa lạ với khán giả Việt Nam. Thế nhưng, khi có Ánh Viên, VĐV được yêu mến nhất hiện nay, chương trình tưởng chừng không có sức hút ấy bỗng chốc dày đặc quảng cáo và thu hút được lượng đông đảo khán giả ngồi trước máy thu hình để chờ đợi tin vui. Chỉ có điều, Ánh Viên trong hành trình vươn ra biển lớn chưa đạt được thành tích như mong muốn. Có nội dung thi đấu, Ánh Viên đã phá được kỷ lục ở SEA Games 28 vừa qua nhưng vẫn chưa đủ để tiệm cận thành tích giành huy chương. Có nội dung, Ánh Viên lại có thành tích thua kém so với chính mình và chỉ đứng ở vị trí 31/64 VĐV tham dự.

Chưa thành - chớ đừng tuyệt vọng

Phải nói rằng, ở các môn thể thao Olympic thì Ánh Viên là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam. Đến lúc này, ít có VĐV nào tiệm cận được thành tích như Ánh Viên. Vậy nên, sự kỳ vọng của dư luận dành cho cô gái trẻ người Cần Thơ là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, khi Ánh Viên chưa thể giành huy chương thì dư luận cũng đừng lấy điều đó làm thất vọng.

Nên nhớ rằng, khoảng cách về trình độ của bơi lội Đông Nam Á với châu Á, chứ chưa nói là thế giới vẫn còn rất lớn. Các VĐV hàng đầu đã tiến xa hơn Ánh Viên rất nhiều. Họ cũng nhận được chế độ đầu tư đặc biệt ngay từ khi còn rất trẻ. Nhưng, nói thế không có nghĩa là cơ hội để Ánh Viên giúp bơi lội Việt Nam có tên trên bản đồ đã khép lại. Nữ kình ngư này còn rất trẻ và nếu tiếp tục được đầu tư đúng lộ trình, chắc chắn thành tích sẽ được cải thiện.

Vấn đề của bơi lội Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung là không được phép ảo tưởng về sức mạnh của mình. Chúng ta phải xác định rằng, con đường để hội nhập với làng thể thao thế giới còn rất dài. Để có được thành tích vang dội, đòi hỏi ngành thể thao phải có chiến lược đầu tư trọng điểm và dài hơi. Bên cạnh đó, những nhà hoạch định chính sách của thể thao Việt Nam cũng không được nóng vội trong việc đặt chỉ tiêu huy chương. Bởi, theo tính toán, với đà này, phải mất ít nhất một năm nữa, Ánh Viên mới có đủ khả năng tranh chấp huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới. Và, điều cần làm nhất ngay lúc này là hãy quên những thất bại ở giải vô địch thế giới, giúp Ánh Viên có được trạng thái thoải mái nhất về tâm lý để tiếp tục tập luyện, cải thiện thành tích trước khi bước vào Thế vận hội 2016.