70 năm giải phóng Thủ đô

Lương Sơn, Hoà Bình:

Đường đi của văn bản và cách giải quyết "một cửa" của cơ quan thuế

Gia Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Người dân gửi Đơn đến cơ quan thuế và các đơn vị chức năng để được giải quyết đúng. Tuy nhiên hiện tại, việc giải quyết phản ánh của người dân vẫn đang "luẩn quẩn”. Theo thông tin mới nhất, anh Ngô Văn H tiếp tục gửi Đơn đề nghị cơ quan thuế áp dụng mức thuế đúng quy định.

Cơ quan thuế nói “không” với báo chí:

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã gửi toàn bộ nội dung làm việc và các giấy tờ cần thiết đến Cục thuế tỉnh Hoà Bình. Lãnh đạo Cục thuế đã phê: Phòng Kiểm tra nội bộ thực hiện.

Đường đi của văn bản và cách giải quyết "một cửa" của cơ quan thuế - Ảnh 1

Tuy nhiên, ông Hoan, Trưởng Phòng kiểm tra nội bộ trả lời: Chúng tôi đang đợi Chi cục Thuế Lương Sơn giải quyết Đơn của gia đình ông N.Q.M, sau đó báo cáo về, nên không thể trả lời gì lúc này được. Ông này thậm chí còn không nhìn đến nội dung đề nghị phối hợp thông tin của phóng viên, xem trong đó viết gì, chỉ khi phóng viên đề nghị: Anh hãy giữ lấy bản nội dung câu hỏi này, khi nào có thông tin thì cung cấp cho Báo, ông Hoan mới nhìn qua tờ giấy.

Theo đó, nội dung mà Phóng viên hỏi có vấn đề không cần phải đợi câu trả lời từ Chi cục Thuế Lương Sơn, mà thuộc thẩm quyền trả lời của Cục thuế Hoà Bình, nhưng không hiểu sao lãnh đạo Phòng Kiểm tra nội bộ vẫn phải “đợi thông tin từ Chi cục Thuế Lương Sơn”?

Khi nhận được câu hỏi, việc giải quyết Đơn kéo dài trong thời gian bao nhiêu lâu và khi nào thì Phóng viên sẽ nhận được thông tin, ông Hoan không có câu trả lời.

Thiết nghĩ, một vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, người dân đã gửi cả Đơn về Cục thuế tỉnh để đề nghị giải quyết, Chi cục Thuế Lương Sơn cũng đã có văn bản “thỉnh thị” ý kiến chỉ đạo, nhưng khi được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, Cục thuế tỉnh Hoà Bình vẫn từ chối trả lời. Đó là cơ quan báo chí, còn không biết người dân khi đến làm việc với cơ quan thuế của Hoà Bình, sẽ áp lực như thế nào?

Văn bản quan trọng có tính quyết định, Chi cục Thuế nói “không nhận được”

Ngày 29/8/2024, Chi cục Thuế Lương Sơn đã có buổi đối thoại với anh Ngô Văn H. về những nội dung ông H phản ánh, yêu cầu áp đúng mức thuế đối với thửa đất của gia đình ông N.Q.M.

Theo đó, một văn bản khá quan trọng của Phòng TNMT huyện Lương Sơn là Văn bản số 1063 do ông Hoàng Văn Huấn, Trưởng phòng kí và chuyển đi ngày 04/7/2024 về việc phúc đáp Công văn đề nghị bổ sung thông tin về nguồn gốc thửa đất thì Chi cục Thuế trao đổi: “không nhận được”. 
Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ thì trong Văn bản này tại phần Nơi nhận ghi rất rõ:

Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Lương Sơn

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện

Văn phòng HĐND &UBND huyện

Chi cục Thuế huyện Lương Sơn

Anh Ngô Văn H cho rằng: Đơn gia đình tôi gửi đã đến 14 lần trong 9 tháng, nêu rất rõ các văn bản của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, Phòng TNMT, trong đó có cả Văn bản số 1063 của Phòng TNMT, vậy nhưng Chi cục Thuế không kiểm tra, đối soát. Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan liên quan đều nhận được văn bản nêu trên mà chi cục Thuế nói “không nhận được” là rất vô lý.

Ngoài ra, khi nhận được Văn bản 760 ngày 04/7/2024 của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ có căn cứ vào Văn bản 1063/TNMT Chi cục thuế cũng không đề nghị Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cung cấp bổ sung văn bản nếu thực sự “không nhận được”. Cho đến hiện tại Chi cục Thuế cũng không kiểm tra lại việc này, vẫn “cố tình” áp mức thuế không đúng cho gia đình chúng tôi, thì nguyên do thực sự là gì? Và trách nhiệm trong công việc của Chi cục thuế Lương Sơn thể hiện ở chỗ nào?

Trao đổi với Phóng viên, ông Trần Quốc Hưng, chuyên viên Phòng TNMT huyện Lương Sơn cho biết: Chúng tôi đã gửi đầy đủ các văn bản, tài liệu sang cho Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ để thực hiện các thủ tục chuyển sang cơ quan thuế. Thời điểm kiểm tra hiện trạng thửa đất của gia đình ông N.Q.M, không có nhà trên đất, nên chúng tôi ghi nhận không có nhà trên đất. Sau đó, UBND xã Nhuận Trạch có Báo cáo số 04 ngày 12/1/2024 Báo cáo về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông N.Q.M trong đó đã nêu rất rõ: Vị trí ông N.Q.M và bà L.T.L xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc là đất trong cùng thửa đất có đất ở, nhà ở.

Vì vậy, chúng tôi làm Văn bản bổ sung số 1063/TNMT ngày 04/7/2024 gửi Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Lương Sơn để bổ sung thông tin thửa đất đã có nhà ở, đất ở. Các thông tin cung cấp là hoàn toàn chính xác, khách quan và đầy đủ căn cứ.

Chi cục Thuế huyện Lương Sơn cần xem xét lại cách giải quyết công việc

Kết quả của buổi đối thoại giữa Chi cục Thuế Lương Sơn và ông Ngô Văn H như sau:

Thửa đất số 391, tờ bản đồ số 17 của ông N.Q.M tại xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn tại thời điểm được phép chuyển mục đích từ cây lâu năm sang đất ở, thửa đất không có nhà ở.

Anh Ngô Văn H đề nghị Chi cục Thuế xác định nghĩa vụ tài chính cho hộ gia đình ông N.Q.M theo điểm a, khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014, căn cứ vào các văn bản của UBND xã Nhuận Trạch, phòng TNMT và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Lương Sơn đã nêu rõ: Phần diện tích được phép chuyển mục đích nằm trong cùng thửa đất có nguồn gốc đã có đất ở, nhà ở.

Chi cục Thuế cho rằng: “Để được áp dụng thu tiền sử dụng đất theo điểm a, khoản 2, Điều 5, Thông tư số 76/2014/TT-BTC, ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính, thì tại thời điểm người nộp thuế được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất hiện đang có nhà ở”

Anh Ngô Văn H tiếp tục không đồng ý với quan điểm này của Chi cục Thuế và yêu cầu Chi cục Thuế tuân thủ đúng quy định trên vì căn cứ để tính tiền sử dụng đất là “nguồn gốc” chứ không phải là “hiện trạng”. Việc Chi cục Thuế lấy đối tượng là “đất vườn, ao quy định tại điều 103 luật đất đai” làm “điều kiện” để áp dụng điểm a khoản 2 điều 5 của Thông tư 76/2014/TT-BTC là “cố tình hiểu sai” hay nói cách khác là “đánh tráo khái niệm” nhằm mục đích không thực hiện đúng chính sách, gây thiệt hại cho người dân (anh H bức xúc trình bày)

Trao đổi với Phóng viên, một chuyên gia về thuế cho biết: Điểm a, khoản 2, Điều 5 Thông tư 76/TT-BTC đã quy định:

Chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất hợp pháp sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất như sau:

Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

Việc Chi cục thuế Lương Sơn hết lần này lần khác đưa ra các lí do như: Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ chuyển hồ sơ văn bản chưa đúng quy trình, Phòng TNMT gửi văn bản tiền hậu bất nhất, khi các cơ quan tài nguyên môi trường phản ứng thì đến thời điểm này lại là “không nhận được văn bản” từ Phòng TNMT chuyển sang để kéo dài việc giải quyết Đơn phản ánh của người dân thực sự đang gây bức xúc trong dư luận.

Nhìn thẳng vào vấn đề thì Chi cục Thuế Lương Sơn đang bỏ qua căn cứ quan trọng nhất trong cả quy trình xác định mức thuế cho người dân, đó là Báo cáo số 04 ngày 12/1/2024 về nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông N.Q.M của UBND xã Nhuận Trạch, bằng cách giải thích:  “Điều 103 Luật Đất đai 2013 quy định như vậy” là không đúng và khiến người dân nghi ngờ: Nguyên nhân gì khiến cơ quan thuế vòng vo trong việc giải quyết Đơn của yêu cầu áp đúng mức thuế của người dân, phải chăng đây là cách giải quyết đã có tiền lệ, và gia đình ông N.Q.M cũng không ngoại lệ?


Theo đó, việc Chi cục Thuế Lương Sơn đánh tráo khái niệm về cách áp dụng điều khoản trong việc tính thuế với gia đình ông N.Q.M cần phải được xem xét trên nhiều yếu tố, và Cục thuế tỉnh Hoà Bình cần vào cuộc quyết liệt, không để xảy ra tình trạng người dân 14 lần gửi Đơn nhưng vẫn không giải quyết xong. Trong khi các căn cứ đã xác định người dân đang phản ánh đúng.

Việc đá bóng trách nhiệm sang các cơ quan khác của Chi cục Thuế huyện Lương Sơn, đặc biệt là cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn “đổ lỗi’ cho các bên liên quan, đang làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan thuế, gây bức xúc cho người dân.

Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin.