Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường Hồ Chí Minh trên biển - hiện thân của ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/9, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến báo cáo viên T.Ư 10/2021, với 1.782 điểm cầu trong cả nước, hơn 43.000 đại biểu tham dự. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu T.Ư.

Dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai. Dự hội nghị còn có các báo cáo viên TP Hà Nội và được truyền hình trực tuyến đến 543 điểm cầu của tại các quận, huyện, thị ủy với gần 11.000 đại biểu tham dự.
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.
Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển mang ý nghĩa chiến lược
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thượng tá Vũ Hữu Kiêm - Trưởng phòng Tuyên huấn Hải quân trình bày báo cáo 2 chuyên đề: “Đường Hồ Chí Minh trên biển - hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc” và “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây và nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay”. 
Trong đó, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm đã giới thiệu khái quát về sự ra đời và phát triển của Đường Hồ Chí Minh trên biển qua từng giai đoạn; việc phát huy truyền thống vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay. Đồng thời là ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với ý nghĩa quan trọng đó, việc tuyên truyền cũng như tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021) là nhằm khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong việc quyết định mở tuyến đường chiến lược quan trọng trên biển, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền những chiến công và thành tích vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển; khẳng định biểu tượng vinh quang, tự hào của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phan Xuân Thủy đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đại biểu tại 1.782 điểm cầu trong cả nước, trong đó Hà Nội là một trong những địa phương có số đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến nhiều nhất.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thông tin, tuyên truyền tháng 10/2021, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy trong cả nước tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, trên cơ sở Đề cương kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển và Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển của Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đẩy mạnh tuyên truyền về sự kiện quan trọng này. Đồng thời có thể biên soạn tài liệu gắn với một số sự kiện lịch sử của địa phương để qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho người dân về các sự kiện lịch sử.
 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội
Thứ hai, Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII sẽ được khai mạc trong thời gian tới. Đây là hội nghị có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, bám sát các nội dung của hội nghị, nhất là bối cảnh tổ chức, ý nghĩa, nội dung cũng như các vấn đề quan trọng được thảo luận.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm nổi bật các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 3 tháng cuối năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 theo Hướng dẫn số 22-HD/BTGTƯ ngày 19/8/2021 của Ban Tuyên giáo T.Ư về tuyên truyền Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Trong đó, các địa phương có thể lồng ghép việc tuyên truyền với các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả, nội dung các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động đối ngoại là nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ song phương và đa phương, các đối tác chiến lược, toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt là truyền đi thông điệp Việt Nam luôn là bạn bè tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; cùng với đó là kết quả của ngoại giao vaccine trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. 
Thứ năm, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là kết luận có ý nghĩa quan trọng, vì thế các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trong đảng viên cũng như các tầng lớp Nhân dân về chủ trương lớn này của Đảng. Kết luận là một bước cụ thể hóa về vấn đề đổi mới, sáng tạo mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ sáu, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Vì thế, các địa phương cần tập trung tuyên truyền về công tác này, đặc biệt việc tăng cường sự lãnh, đạo chỉ đạo một cách quyết liệt của Đảng trong phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực; ngăn chặn lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân.
Thứ bảy, ngày 20/9/2021, Ban Tuyên giáo T.Ư đã ban hành Hướng dẫn số 24-HD/BTGTƯ về đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Vì thế, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy căn cứ hướng dẫn để đẩy mạnh tuyên truyền vào 7 nhóm nội dung trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân”; khẳng định công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.