"Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đã quá ngây thơ trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Loại hình dự án này quá mới mẻ, tiềm ẩn vô vàn rủi ro cả về kinh tế lẫn xã hội. Đúng sai sẽ có cơ quan chức năng làm rõ nhưng cá nhân tôi cho rằng, có thể chính những người làm dự án cũng thiếu hiểu biết và bị các nhà thầu nước ngoài lợi dụng." - Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga "Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có quá nhiều vấn đề, trong đó có cả phần lỗi chủ quan của chủ đầu tư là Bộ GTVT. Cần phải làm rõ trách nhiệm về vi phạm các quy định của Nhà nước trong chuẩn bị đầu tư dự án đối với các cá nhân cụ thể. Đành rằng chúng ta có nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm đầu tư đường sắt đô thị nhưng đó không thể là lý do bao biện cho những người cố tình vi phạm pháp luật, gây hậu quả quá nghiêm trọng về kinh tế tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông." - Ông Nguyễn Ngọc Doanh - phường Láng Thượng, quận Đống Đa |
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông “đội vốn” hơn 200%: Phải làm rõ trách nhiệm
Kinhtedothi - Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng vốn dẫn tới dự án chậm tiến độ, đội vốn đang được dư luận quan tâm.
Hàng loạt sai phạm
Theo đó, KTNN phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn vào tháng 2/2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công (dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư).
Về tài chính của dự án đến ngày 30/6/2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỷ đồng, sai khác 698 tỷ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỷ đồng.
Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục đoàn tàu tăng 364 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 34,4%, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 227%.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình đàm phán, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) chưa làm rõ chênh lệch tăng 3,19 triệu USD trong việc thay đổi vật liệu vỏ tàu, chi phí vận chuyển tăng 3,945 triệu USD theo quy định của Bộ GTVT.
Bù lỗ ngay từ khi lập dự án
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế của dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.
Khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả…
Với những sai phạm trên, KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt xử lý về tài chính gần 900 tỷ đồng. Trong đó, xử lý tài chính đối với tổng thầu EPC là hơn 600 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đường sắt phải xác định trách nhiệm của các đơn vị tư vấn còn để xảy ra các tồn tại, sai sót để xử lý theo quy định của hợp đồng. KTNN cũng kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh công tác đầu tư công, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư sai quy định.
Xử lý dứt điểm không để gây mất niềm tin của dân
Trước kết luận của KTNN, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ đang tổng hợp các thông tin liên quan. Đây là dự án diễn ra trong nhiều năm nên Bộ đang xem xét. GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích, chúng ta phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc ngặt nghèo, nhất là những điều kiện dẫn đến sự độc quyền trong các hợp đồng triển khai dự án, trong việc cung ứng vật tư, thiết bị và phương tiện mà bên cấp vốn đưa ra.
Kết quả là từ việc xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, tiến hành thiết kế, lựa chọn công nghệ, tính toán giá cả, cho đến việc phân định kế hoạch triển khai, phân chia các hợp đồng xây dựng hạ tầng cũng như cung ứng thiết bị, phương tiện vận hành… nhất nhất đều do đối tác nước ngoài quyết định.
Xung quanh những sai phạm được chỉ ra, nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận đều cho rằng cần sớm làm rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan. Mới đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ động biện pháp xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền) với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu, không để tình trạng chậm trễ tiến độ dự án đường sắt đầu tiên ở Hà Nội này kéo dài, gây mất lòng tin trong Nhân dân.