Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại, người dân đặt trọn niềm tin

PHẠM CÔNG - MINH TƯỜNG/GIAOTHONGHANOI.KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Sau thời gian khai thác miễn phí tàu điện Cát Linh - Hà Đông, hành khách đã có những trải nghiệm và đánh giá rất tốt về loại hình vận tải công cộng mới của Thủ đô. Từ ngày 21/11, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A này đã bắt đầu bán vé với nhiều loại hình phù hợp với đa dạng hành khách.

Sẵn sàng gắn bó

Tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí từ ngày 20/11. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hanoi), từ ngày 6 đến hết ngày 20/11, toàn tuyến đã vận hành 2.554 chuyến tàu an toàn, đưa đón 380.510 lượt hành khách; bình quân 25.367 lượt hành khách/ngày.

Tỷ lệ phân bổ hành khách: Ga Cát Linh 28%; ga Yên Nghĩa 24%; 10 ga còn lại 48%. Trong đó, ngày đi làm đạt bình quân 19.000 khách; ngày cuối tuần đạt khoảng 38.000 khách. Đây cũng nằm trong quy luật vận hành chung của ĐSĐT, ngày cuối tuần lượng khách đi trải nghiệm sẽ đông hơn ngày thường đa số là hành khách đi làm, đi học.

Chị Vũ Thị Hạnh trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy, đi tàu điện trên cao rất êm ái và nhanh, có thể nói hơn hẳn các loại hình phương tiện giao thông khác phải lưu thông ở đường bên dưới, lúc nào cũng có thể bị ùn tắc”.

 Từ 21/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền.

Bên cạnh những người đến để trải nghiệm, cũng không ít hành khách đã xác định sẽ ưu tiên tàu điện để tham gia gia thông hàng ngày. Anh Lê Đức Anh (trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông), cho biết: “Tôi là sinh viên của một trường đại học ở quận Thanh Xuân, hôm nay đi tàu điện để tính thời gian từ nhà đến trường. Sắp tới, khi được đi học trở lại, tôi sẽ gắn bó với tàu điện lâu dài”.

Từ 21/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền. Nhiều loại hình vé đã được đưa ra để hành khách lựa chọn. Trong đó có vé lượt một chiều giá từ 8.000 - 15.000 đồng/vé có thể mua từ máy bán vé tự động hoặc mua tại quầy của nhân viên. Để thuận tiện khi mua vé tại máy bán vé tự động, hành khách nên chuẩn bị tiền có mệnh giá dưới 100.000 đồng. Loại vé ngày 30.000 đồng/vé, có hiệu lực trong cả ngày, không giới hạn lượt đi, mua tại quầy bán vé trực tiếp.

Vé tháng phổ thông có giá 200.000 đồng/vé. Vé có tác dụng trong 30 ngày, sau 30 ngày trả lại vé cũ để lấy vé mới, mua tại quầy bán vé, cung cấp thông tin cá nhân và trả tiền sẽ được nhận vé ngay. Với vé tháng mua tập thể số lượng từ 30 người trở lên, được giảm 30% chỉ còn 140.000 đồng/vé.

 Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.000 - 15.000 đồng/vé có thể mua từ máy bán vé tự động hoặc mua tại quầy của nhân viên.  

Loại vé tháng ưu tiên giảm 50%, chỉ còn 100.000 đồng/tháng được dành cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp, bán tại các quầy vé. Người mua cung cấp thông tin cá nhân chứng minh là đối tượng ưu tiên, nhận thẻ như vé tháng bình thường có dán tem ưu tiên. Trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo được ưu tiên miễn phí.

Đến mua vé tháng tàu Cát Linh - Hà Đông, chị Lê Thị Thúy trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Sau nửa tháng đi làm miễn phí bằng tàu điện, tôi đánh giá cao loại hình vận tải hành khách công cộng này. Hôm nay tôi đến mua vé tháng tại ga Cát Linh và được nhân viên hướng dẫn rất nhiệt tình. Thao tác mua vé cũng rất đơn giản, mọi lứa tuổi đều có thể tiếp cần dễ dàng”.

Đáp ứng nhu cầu của người dân

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã có màn ra mắt ấn tượng, an toàn và hấp dẫn người dân. Bất cứ ai cũng có thể nhận thấy, ĐSĐT cực kỳ ưu việt so với mọi loại hình vận tải công cộng khác nhờ hạ tầng riêng trên cao hoặc dưới thấp, tránh tuyệt đối mọi tình huống UTGT”.

Nhiều chuyên gia đánh giá rất cao công tác quản lý, vận hành đã giúp tuyến ĐSĐT số 2A đạt được thành công ban đầu vang dội. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho rằng, có được thành công đó, theo tôi là nhờ vào năm điều kiện chính. Thứ nhất là sự chỉ đạo quyết liệt sát sao của Thành uỷ, UBDN TP Hà Nội, sự vào cuộc rất quyết liệt của các Sở, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã bám sát chủ trương chung, linh hoạt trong giải pháp để cùng các đơn vị liên quan chuẩn bị, tổ chức, vận hành tốt tuyến tàu điện số 2A.

“Có nhiều quyết định của UBND TP ký lúc nửa đêm; thậm chí có hôm vào 22 giờ đêm, Phó Chủ tịch UBND TP còn gọi điện để giải quyết những kiến nghị của Công ty, kịp cho triển khai ngay ngày hôm sau” - ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

Vị lãnh đạo Metro Hanoi cũng cho rằng, điều kiện thứ hai là sự ủng hộ của người dân đối với chủ trương mà Chính phủ, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhằm phát triển phương thức vận tải công cộng hiện đại, khối lớn là ĐSĐT để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Sự ủng hộ của người dân cũng là động lực để tập thể cán bộ nhân viên của Metro Hanoi phấn đấu phục vụ ngày một tốt hơn.

Thứ ba là sự tâm huyết, cầu thị làm việc bằng trái tim; cũng như sự chuyên nghiệp, sẵn sàng cống hiến trên 100% của đội ngũ cán bộ, nhân viên Metro Hanoi. Ngoài ra còn phải kể đến những lực lượng hỗ trợ như: vệ sinh, bảo vệ, trông giữ xe miễn phí… dù chưa được trả công vẫn sẵn sàng tăng cường nhân sự, miệt mài, đầy tinh thần trách nhiệm với tuyến ĐSĐT số 2A.

 Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã có màn ra mắt ấn tượng, an toàn và hấp dẫn người dân. 
Thứ tư là sự phối hợp đầy trách nhiệm, chặt chẽ giữa Chủ đầu tư, tư vấn với đơn vị vận hành, quản lý. “Mọi vấn đề đã được lường trước và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả. 15 ngày đầu tiên, tuyến 2A chưa bỏ một chuyến nào; một số lỗi kỹ thuật nhỏ như: cần gạt mưa trên tàu không hoạt động, hệ thống phát thanh chập chờn, Công ty đã điều tàu khác thay thế ngay để đảm bảo vận hành tàu thông suốt” - ông Vũ Hồng Trường nói.

Ngoài ra, Vị lãnh đạo Metro Hanoi cũng cho rằng, sự đồng hành, quan tâm và ủng hộ của các cơ quan báo chí, tuyên truyền những ngày qua là một trợ lực rất lớn, đưa hình ảnh ĐSĐT đến với người dân gần gũi, thân thiện và khách quan hơn.

Ông Vũ Hồng Trường thông tin thêm: “Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để khuyến khích tăng cường hơn nữa người dân sử dụng ĐSĐT. Chúng tôi cũng mong muốn người dân ngày càng ủng hộ hơn nữa cho ĐSĐT nói chung và tuyến số 2A nói riêng, đặc biệt là hình thành văn hoá giao thông hiện đại, dần từ bỏ thói quen đi xe cá nhân để chuyển sang đi bộ cũng như sử dụng hoàn vận tải công cộng”.

Tàu Cát Linh - Hà Đông Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình hơn 1km có một ga. Mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút. Tàu sẽ vận hành theo biểu đồ: từ 5 giờ 30 - 22 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến. Vé bán tại các nhà ga

Từ ngày 21/11, sảnh B, nhà ga Cát Linh sẽ trở lại phục vụ hành khách đi tàu, không còn trông giữ xe miễn phí nữa. Đồng thời TP đã cấp phép cho điểm trông giữ xe sức chứa đến 1.500 xe máy tại khu vực phố Hào Nam. Khu vực cuối tuyến hành khách có thể gửi xe tại bến xe Yên Nghĩa. Còn các ga dọc đường cũng đã có danh mục các điểm khuyến cáo người dân tới gửi xe.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần