[Đường sắt đô thị - bộ khung định hình lại giao thông Hà Nội] Bài 2: Bài học rất đắt giá

Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là dự án đầu tiên do chính TP làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA, khởi công vào năm 2010. Từ dự án này, nhiều kinh nghiệm quý báu và cũng rất đắt giá đã được rút ra, cho thấy việc đầu tư phát triển ĐSĐT vô cùng gian nan, phức tạp.

Khoảng trống pháp lý

Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt vào tháng 4/2009, nhưng phải đợi đến tháng 9/2010 mới được khởi công; năm 2013 tiếp tục được điều chỉnh. Giai đoạn từ năm 2009 - 2016, dự án gần như giậm chân tại chỗ, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng có lúc tưởng như lâm vào bế tắc. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định số 1800/QĐ-TTg ngày 21/12/2018, điều chỉnh tiến độ kéo dài đến năm 2022. Dự án cũng đã được phép tách đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy ra hoàn thành để đưa vào sử dụng trước, nhằm khai thác một cách hiệu quả, thiết thực trong khi vẫn song hành thi công đoạn tuyến đi ngầm từ Kim Mã - Trần Hưng Đạo.
  Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Việt Hải
Quá trình thực hiện dự án rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh và chưa từng có tiền lệ cũng như quy định cụ thể nào để giải quyết, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ kéo dài. Ví dụ khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tạm cư hoặc phá dỡ công trình nhà ở (không thu hồi đất) cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi quá trình khoan hầm. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã khẳng định, ngay cả Luật Đất đai vẫn chưa xác định được cơ chế GPMB, không có cơ chế thu hồi đất để làm công trình ngầm ĐSĐT.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội mới đang chuẩn bị trình HĐND TP xem xét, cho phép ban hành cơ chế riêng để GPMB các ga ngầm của dự án. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là khi cơ chế GPMB đối với công trình ngầm ĐSĐT được ban hành, tất cả các dự án ĐSĐT về sau này sẽ có một hành lang pháp lý thông suốt, hạn chế những vướng mắc chưa có tiền lệ, đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, nhiều khác biệt giữa quy định của mẫu Hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội liên đoàn các nhà tư vấn quốc tế ban hành) và pháp luật của Việt Nam về việc xử lý các vấn đề hợp đồng như gia hạn thời gian, điều chỉnh giá, yêu cầu thay đổi dẫn đến các tranh chấp với các nhà thầu quốc tế. Mẫu hợp đồng FIDIC do các nhà tài trợ vốn yêu cầu áp dụng. Mà việc sử dụng nguồn vốn vay ODA, ngay từ đầu đã ràng buộc Hà Nội phải tuân thủ một số nguyên tắc do nhà tài trợ đưa ra.

Mặt khác, việc bố trí vốn hàng năm không đủ theo nhu cầu trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019 cũng khiến dự án phải điều chỉnh cả về tiến độ lẫn một số điều khoản chi tiết trong hiệp định vay. Thủ tục điều chỉnh dự án, hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ hết sức phức tạp và thường kéo dài.

Có thể thấy, với một siêu dự án trị giá hàng tỷ đô la, lại hoàn toàn mới, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm, không ít khoảng trống pháp lý phải đến khi bước vào triển khai thực tế mới phát lộ. Đây là những khó khăn khách quan, nhưng cũng là vấn đề nội tại của một đô thị đang trong quá trình phát triển “nóng” như Hà Nội.

Đụng đâu vướng đó

Có thể nói, từ khâu giải phóng mặt bằng, triển khai các gói thầu, điều chỉnh bất cập, giải quyết khó khăn của dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, đụng đâu cũng vướng mắc, khiến chủ đầu tư vô cùng chật vật.

Trong đó giải phóng mắt bằng nan giải nhất. Dự án có tới 10/12 gói thầu bị chậm tiến độ từ 18 - 70 tháng do giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng ngầm nổi không đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, dù đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã hoàn tất giải phóng mặt bằng nhưng 4 ga ngầm còn lại từ Kim Mã - Trần Hưng Đạo dự kiến vẫn phải kéo dài thi công đến năm 2025 do chậm trễ trong khâu này. Không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ, việc chậm giải phóng mặt bằng còn là nguyên nhân khiến dự án đội vốn do trượt giá theo thời gian cũng như các yêu cầu bồi thường của nhà thầu.

Đặc biệt, khi đối diện với những khó khăn, vướng mắc này, kinh nghiệm chủ đầu tư còn một số hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về lĩnh vực ĐSĐT. Công tác phối hợp, giải quyết công việc giữa các sở, ngành TP, và địa phương, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ và hiệu quả. Thực tế đó càng cho thấy vai trò quyết định của Thành ủy, UBND TP trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn như ĐSĐT. Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tới kiểm tra công tác thực hiện dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ngay tại công trường, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát, tạo nên động lực mạnh mẽ cho dự án để chủ đầu tư cũng như nhà thầu sớm vượt qua những khó khăn, vướng mắc.

Cũng do thiếu kinh nghiệm nên dự án ngay từ đầu đã được chia nhỏ thành 9 gói thầu. Dẫn đến tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và gây chậm trễ tiến độ. Mặt khác, những biến cố khách quan như đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án do chậm trễ sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu. Đây là tình huống bất khả kháng nhưng cũng cho thấy việc thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao; thiếu điều kiện kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng ĐSĐT là một trong những khó khăn lớn nhất Hà Nội phải đối diện.

Chính do những khó khăn, vướng mắc cả chủ quan và khách quan đó mà Dự án ĐSĐT đầu tiên do Hà Nội làm chủ đầu tư đã kéo dài trên 10 năm, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ. Năm 2018, dự án đã có một bước ngoặt cực kỳ quan trọng, tách đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy ra thành một hợp phần riêng, hoàn thành và đưa vào khai thác trước trong năm 2022. Tổng thể dự án sẽ có thể kéo dài đến năm 2025.

Đến nay, dù vẫn đang nỗ lực hết sức để đảm bảo tiến độ đề ra cho cả đoạn tuyến trên cao lẫn tổng thể dự án, nhưng Hà Nội vẫn đang gặp khó khăn từng ngày bởi những vấn đề còn rất mới của ĐSĐT. Từ dự án đầu tiên này, nhiều bài học kinh nghiệm xương máu đã được rút ra. Để hiện thực hóa giấc mơ ĐSĐT, biến những kinh nghiệm đó thành giải pháp thực tế còn cần rất nhiều thời gian, sức lực và quan trọng hơn cả là sự ủng hộ của Nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từng ngày của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội.
Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km, đi qua các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa. Dự án được phê duyệt năm 2009, khởi công năm 2010, hiện tiến độ tổng thể chung của Dự án đạt khoảng 74%, trong đó, đoạn trên cao đạt 89,5%; đoạn ngầm đạt 33%.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND TP, các sở, ngành, đơn vị tham mưu phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu thi công, xây dựng tiến độ gắn với giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo từng tháng, từng quý và từng năm. Đối với một số phần việc cần thiết phải có phương án thực hiện tiến độ cụ thể đến từng ngày; phân công rõ người phụ trách, đồng thời thường xuyên đánh giá, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần