[Đường sắt đô thị - bộ khung định hình lại giao thông Hà Nội] Bài 3: Hiệu quả ngay từ mảnh ghép đầu tiên

Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, số hiệu 2A Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào vận hành khai thác. Dù chỉ là mảnh ghép đầu tiên của hệ thống ĐSĐT nhưng thành công mang lại đã cho thấy những giá trị “đắt xắt ra miếng”.

Ưu thế tuyệt đối

Sau cả thập kỷ chờ đợi, từ ngày 6/11, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được đưa vào vận hành, khai thác. Ngay từ ngày đầu tiên lăn bánh, tuyến tàu điện này đã “phô diễn” những ưu thế tuyệt đối của ĐSĐT, tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ, hấp dẫn người dân đến với vận tải công cộng.

Theo số liệu do Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cung cấp, trong tháng đầu tiên vận hành, bình quân mỗi ngày tuyến tàu điện số 2A vận chuyển từ 18.000 - 25.000 lượt hành khách. Ngay trong ngày đầu bán vé, đã có gần 10.000 vé tháng được bán ra, “chốt” được lượng khách không nhỏ thường xuyên sử dụng.

Hầu hết hành khách đến trải nghiệm hay sử dụng tàu điện để đi làm đều có chung ấn tượng rất mạnh mẽ: Nhanh. Tàu điện chạy quá nhanh so với các loại hình phương tiện khác, cả hành trình hơn 12km chỉ mất 23 phút, tính gồm cả thời gian dừng đỗ đón khách. Trong khi cùng quãng đường này, nếu di chuyển bằng xe buýt, ô tô con… phải mất hơn một giờ đồng hồ vào giờ cao điểm, bằng xe máy cũng phải mất trên 40 phút.
  Hành khách chờ lên tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Hùng
Không chỉ nhanh, tàu điện còn chạy trên cao còn tạo nên góc nhìn đô thị độc đáo, cuốn hút giới trẻ, giá vé chỉ nhỉnh hơn xe buýt chút đỉnh. Tàu điện đã loại bỏ hoàn toàn công đoạn mua - bán vé trên tàu, thay vào đó là cây bán vé tự động trên sân ga; hành khách sử dụng dễ dàng, thuận tiện. Một phương thức phục vụ mới văn minh, hiện đại đã được tàu điện giới thiệu đến cho hành khách của vận tải công cộng.

Có thể nói, ĐSĐT đã thực sự tạo nên một “bước ngoặt”, nâng tầm giá trị của phương thức vận tải công cộng, tác động vô cùng to lớn đến ý thức của người dân lâu nay vốn quen với xe cá nhân.

Cần nhớ rằng, trước đó, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã trải qua hàng chục năm sóng gió, lận đận. Rất nhiều ý kiến trái chiều bủa vây tuyến tàu điện này suốt quá trình đầu tư xây dựng như: Đội vốn, chậm tiến độ, lỡ hẹn… đều nhanh chóng rơi vào quên lãng sau ít ngày vận hành, khai thác. Thực tế đó cho thấy, sự quan tâm, mong mỏi rất lớn của Nhân dân đối với ĐSĐT. Mỗi tuyến ĐSĐT đi vào hoạt động không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn có tác động cực kỳ lớn đến văn hóa giao thông, thậm chí cả tâm tư, tình cảm của người dân.

Ở các nước phát triển trên thế giới, mỗi đô thị từ hơn một triệu dân trở lên đã có ĐSĐT để phục vụ người dân đi lại. Với lợi thế tuyệt đối là làn đường dành riêng trên cao hoặc dưới ngầm, không xung đột, không chịu áp lực ùn tắc giữa các loại phương tiện khác, ĐSĐT có thể coi là loại hình vận tải thuận tiện nhất, ưu việt nhất.

Với một đại đô thị như Hà Nội, vai trò của ĐSĐT lại càng quan trọng và bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh dân số, số lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, còn quỹ đất dành cho giao thông lại cực kỳ eo hẹp như hiện nay. Mỗi chuyến tàu điện có thể vận chuyển khoảng 1.000 hành khách, thay thế tối thiểu 500 phương tiện cá nhân, hoặc 20 chiếc xe buýt, lại đáp ứng nhu cầu quan trọng lớn nhất của người dân là thời gian di chuyển ngắn, bất kể nắng hay mưa, đường đông hay vắng đều đảm bảo lộ trình chính xác, đều đặn.

Còn nhiều tiềm năng

Nhìn từ tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có thể thấy, bước đầu ĐSĐT đã khẳng định được vai trò cũng như vị thế của mình trong mạng lưới giao thông đô thị. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi bức thiết.

Ví dụ như câu hỏi: Vì sao ĐSĐT ưu việt như vậy mà Hà Nội lại chưa tập trung được nguồn lực để đầu tư xây dựng? Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT, trong đó có những tuyến cực kỳ quan trọng như tuyến số 2: Sân bay Nội Bài - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, hay tuyến số 5: Hồ Tây - Hòa Lạc…

Vai trò của ĐSĐT đã được làm rõ, minh chứng qua thành công ban đầu của tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông. Nhưng cũng qua những khó khăn, vướng mắc của tuyến này và cả tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chúng ta còn thấy được tính chất phức tạp và quy mô đầu tư rất lớn của ĐSĐT, không thể trong ngày một ngày hai giải quyết được.

Mặt khác, hiện tuyến ĐSĐT số 2A vẫn đang tập trung vào mục tiêu chính là vận chuyển hành khách, tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch xung quanh chưa được đánh thức. Ở nhiều đô thị lớn trên thế giới ĐSĐT đi tới đâu là mang đến sự trù phú, phát triển tới đó. Dọc theo những tuyến ĐSĐT, đặc biệt quanh các nhà ga, thương mại, dịch vụ cực kỳ sầm uất, tạo nên mỗi quan hệ tương hỗ mật thiết giữa giao thông và kinh tế.

Muốn người dân gắn bó chặt chẽ với ĐSĐT thì cần đáp ứng cả những nhu cầu như: Mua sắm, giải trí, ăn uống… trong khu vực nhà ga và lân cận, tăng sức hấp dẫn cho ĐSĐT. Ngược lại, chính người dân lại mang đến động lực phát triển kinh tế cho khu vực có ĐSĐT đi qua.

Một vấn đề khác Hà Nội cũng rất cần quan tâm, đó là kết nối giao thông, cả động và tĩnh, với các tuyến ĐSĐT. Để hỗ trợ cho tuyến ĐSĐT số 2A, Hà Nội đã tổ chức, điều chỉnh 54 tuyến xe buýt kết nối, nỗ lực giải quyết nhu cầu đỗ gửi xe của người dân tại các nhà ga. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cần phải làm được hơn thế.

Đơn cử như từ nhà ga Cát Linh tới các tuyến phố: Giảng Võ, Hào Nam… đường đi bộ vẫn khá chật chội, nhiều vị trí vị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, đỗ gửi xe. Người dân đi bộ trong khu vực này khá chật vật, đó là một điểm trừ của ĐSĐT. Hay như một số nhà ga còn rất thiếu bãi gửi xe máy, khiến người dân không dễ xoay xở.

Một vấn đề rất lớn là hiện Hà Nội mới chỉ có một tuyến ĐSĐT đơn độc, khả năng trung chuyển, kết nối toàn mạng lưới vận tải công cộng còn yếu, chưa hạn chế được bao nhiêu áp lực ùn tắc giao thông trên toàn TP, nhất là khu vực trung tâm. Chỉ khi có nhiều tuyến ĐSĐT hình thành, khớp nối nhịp nhàng với nhau, cùng sự hỗ trợ của xe buýt cũng như các loại hình vận tải khác, Hà Nội mới có thể thực sự thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân, hình thành nên văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.

(Còn nữa)

Theo nhận định của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, tuyến ĐSĐT số 2 là tuyến cực kỳ quan trọng, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Sân bay này có thể đạt 60 - 65 triệu hành khách/năm trong giai đoạn tới, năm 2050 dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm. Hà Nội đã dự trù xây dựng 2 tuyến ĐSĐT đi qua khu vực này để đảm bảo vận chuyển hành khách thông suốt, tối ưu khả năng kết nối sân bay với trung tâm TP và toàn mạng lưới đô thị.