Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy thử sớm

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ GTVT, dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện trên toàn tuyến, dự kiến vận hành thử vào tháng 8 này. Tàu đường sắt đô thị này sẽ chạy tốc độ trung bình 35km/h.

Để giải quyết bài toán ùn tắc cũng như thay đổi bộ mặt giao thông đô thị theo hướng bền vững, những năm qua, Hà Nội liên tục có những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường mới được xây dựng, hệ thống các tuyến đường vành đai cơ bản được khép kín, như tuyến đường Vành đai 1; Vành đai 2,5; Vành đai 3 và Vành đai 3,5... Trong số những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Hà Nội trong 10 năm qua, hai dự án ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông là đáng chú ý nhất.
Đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử qua đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Huy Hùng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD lấy từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tuyến có chiều dài 13,1km, khởi công ngày 10/10/2011. Đến nay, tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông về cơ bản đã hoàn thành.

Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã được đóng điện trên toàn tuyến. Theo mục tiêu được lãnh đạo Bộ GTVT (chủ đầu tư) đặt ra, đến tháng 8/2018 dự án được vận hành thử. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân quanh khu vực công trường và các tài sản, thiết bị đã lắp đặt của toàn dự án, Ban đã đề nghị người dân không tự ý xâm nhập vào khu vực công trường vì sự an toàn của chính người dân.

"Sau khi hoàn thành tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ tổ chức lại các tuyến buýt để có sự kết nối thuận tiện hơn. Vừa mở rộng vùng phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo điều kiện giãn, giảm bớt mật độ dân cư ra, vừa giúp giảm áp lực giao thông trên các trục đường, đặc biệt, thu hút người dân đến với giao thông công cộng." - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Trong khi đó, dự án xây dựng tuyến ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) làm Chủ đầu tư với nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI) và Chính phủ Pháp (DGT). Tổng số vốn đầu tư ước tính lên tới 1,2 tỷ USD (cộng thêm gần 400 triệu Euro vốn phát sinh). Tuyến có chiều dài 12,5km (trong đó đoạn trên cao 8,5km và đoạn đi ngầm 4,5km), được khởi công vào 10/10/2010 và dự kiến hoàn thành năm 2021.

Trong hai dự án ĐSĐT đang được triển khai ở Hà Nội, Dự án ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội được khởi công sớm hơn một năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó cơ bản nhất là khó khăn về vốn khiến tiến độ thi công của dự án còn chậm. Hiện nay, những khó khăn đó đã dần được tháo gỡ. Với 8/9 gói thầu của dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng, thi công tuyến trên cao đạt trên 82% khối lượng, nếu tính cả phần đi ngầm đạt khoảng 41% khối lượng theo thiết kế dự án, Dự án ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ khai thác trước đoạn trên cao từ Nhổn đến Ga S8 và năm 2022 sẽ đưa phần ngầm vào khai thác.

Việc đầu tư xây dựng hai dự án ĐSĐT có quy mô lớn như tuyến Cát Linh – Hà Đông và tuyến Nhổn – Ga Hà Nội trong điều kiện ngân sách Nhà nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của ngành GTVT cũng như TP Hà Nội. Các chuyên gia giao thông đều nhìn nhận, khi cả hai tuyến ĐSĐT này được vận hành sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội, tạo ra một diện mạo mới, văn minh, hiện đại cho giao thông Thủ đô.