Quy hoạch vùng TOD
Tiếp tục phiên Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã bàn về việc quy hoạch thành phố theo định hướng TOD.
TS Lê Chính Trực - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhận định, TOD phát triển nhằm tối ưu hóa 3 chức năng chính của đô thị là: Nơi ở, nơi làm việc và giải trí, trong khu vực có khả năng đi bộ và được hỗ trợ bởi hệ thống giao thông công cộng.
Theo ông Lê Chính Trực, 6 đặc điểm cơ bản của vùng TOD bao gồm: Sử dụng tối đa tiềm năng của vùng đô thị hiện tại; Giảm thiểu sự xâm lấn của đô thị hóa; Liên kết chặt chẽ đất đô thị và giao thông; Giảm thiểu giao thông cá nhân; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Đảm bảo đa dạng hiệu quả kiến trúc nhà ở; Thiết kế đô thị.
Ông Lê Chính Trực thông tin, Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên 3359,8km2 với quy mô dân số dự kiến năm 2045 là 14,6 triệu người sẽ hình thành đô thị cực lớn. Do vậy, việc xây dựng TP theo hình thức TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng, giảm đô thị hóa tràn lan….
Ngoài ra, làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm giao thông cá nhân, ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc, giải trí…
Để việc phát triển TOD đạt được hiệu quả cao, ông Lê Chính Trực đưa ra một số điều kiện như: Hạn chế phát triển đô thị mới khu vực nội đô lịch sử và bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, đã xây dựng hiện hữu. Phát triển TOD có tính chất hạn chế nhà cao tầng, ưu tiên phát triển không gian ngầm, các điểm TOD theo tiêu chí tái thiết cải thiện điều kiện cảnh quan, môi trường.
Đồng thời, đảm bảo về phân bổ dân số, khả năng đáp ứng hạ tầng xã hội. Tổ chức không gian TOD hiện đại, gắn với phát triển bền vững cần giải quyết về phương thức trung chuyển, bãi đỗ xe.
Đối với tiêu chí xác định các khu vực phát triển TOD, TS Lê Chính Trực để xuất 7 tiêu chí. Cụ thể là, tính chất vai trò chức năng quy mô của TOD đối với đô thị, kết nối giao thông; Về năng lực, khối lượng vận chuyển quy mô đầu mối giao thông công cộng , cơ sở hạ tầng; Về vị trí, các yếu tố khống chế cảnh quan môi trường bảo tồn di tích văn hóa; Đặc điểm hiện trạng quỹ đất phát triển; Mật độ, tầm quan trọng, hệ số sử dụng đất quy mô dân số, số lao động việc làm; Giá trị đất đai; Khả năng phát triển không gian ngầm.
Xương sống của hạ tầng giao thông
Kết luận ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: “Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị đặc biệt trên toàn quốc, có quy mô lớn về diện tích, dân số và tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời, có vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - đô thị cho các vùng miền xung quanh”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tại 2 thành phố đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là ĐSĐT trong nhiều năm qua đã và đang được quan tâm, chú trọng triển khai.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, việc đầu tư phát triển cho hệ thống giao thông, đặc biệt là ĐSĐT còn chậm, cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện còn hạn chế.
Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, đòi hỏi phải hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng.
“Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, hệ thống ĐSĐT được xem như xương sống của hạ tầng giao thông vận tải. Việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới ĐSĐT được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân. Hướng tới giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, công tác quy hoạch, xây dựng đô thị gắn kết với hệ thống ĐSĐT theo mô hình TOD để tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn. Khai thác, vận tải đường sắt nói chung và hệ thống ĐSĐT nói riêng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra trong nhiều chính sách phát triển đô thị, phát triển giao thông của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Bộ Chính trị đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có tập trung đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ các dự án ĐSĐT; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại. Đồng thời, tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, nội dung được đóng góp tại hội thảo mang tính thực tiễn cao, hữu ích, giúp cho chính quyền 2 thành phố có thêm dữ kiện, thông tin để nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu cấp bách đặt ra đối với việc hoạch định chính sách về quản lý và phát triển đô thị, phát triển hệ thống ĐSĐT. Đồng thời, là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống ĐSĐT nói riêng.