Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội: Cần mạnh tay với nhà thầu yếu kém

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung cũng như kế hoạch vận hành trước đoạn trên cao từ ga S1 - ga S8.

Liên danh các nhà tài trợ đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề này.

Nhà thầu chây ì

Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 vừa qua, liên danh các nhà tài trợ gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Cơ quan phát triển Pháp (AFD) - Tổng cục Kho bạc Pháp (DGT) đã chỉ ra khó khăn lớn nhất đối với đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự án ĐSĐT số 3, là trong 2 năm qua, Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP) - nhà thầu phụ trách xây dựng Depot Nhổn (Gói thầu số 5) đã gần như ngừng huy động nhân lực thi công trên công trường do những vấn đề hợp đồng.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội gặp nhiều khó khăn cũng như chi phí bị đẩy cao, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành. Ảnh: Thanh Hải
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội gặp nhiều khó khăn cũng như chi phí bị đẩy cao, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành. Ảnh: Thanh Hải

Các nhà tài trợ nhận định, có vẻ như HANCORP không có khả năng hoặc không sẵn sàng phân bổ các nguồn lực cần thiết để hoàn thành hợp đồng đã ký kết. Nếu không hoàn thành việc xây dựng Depot, các gói thầu về điện, thiết bị phòng điều khiển và hệ thống giám sát (số 6, 7, 8 và 9) không thể tiếp tục thực hiện được. Điều này có thể khiến các nhà thầu phải tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng.

“Một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình tại khu Depot, khiến việc vận hành trước đoạn trên cao vào cuối năm 2022 dường như không còn khả thi. Chúng tôi lo ngại rằng thời gian kéo dài thêm cho các hợp đồng này sẽ gây ra những hậu quả tài chính ngoài cam kết hiện tại” - đại diện các nhà tài trợ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu HANCORP huy động nhân lực trở lại làm việc. Các nhà tài trợ cũng cử 2 đoàn công tác đánh giá tình hình thực hiện dự án qua 7 chuyến thăm công trường kể từ tháng 11/2021 tới nay; đồng thời gửi nhiều thư tới UBND TP Hà Nội và các bộ ngành T.Ư để cảnh báo về tình hình. Tuy nhiên, các nhà tài trợ nhận định: “Không có cơ quan chính phủ nào có thể thuyết phục HANCORP hợp tác. Và vì cả hai bên HANCORP cũng như chủ đầu tư đều là các cơ quan Nhà nước nên cần có hướng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng để vượt qua khó khăn này”.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội xác nhận nhà thầu HANCORP đang thực hiện gói thầu CP5 - xây dựng Depot Nhổn. “Gói thầu này có vai trò rất quan trọng đúng như các nhà tài trợ đã phân tích. Việc HANCORP chậm trễ trong thi công có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Ban đang rất nỗ lực cùng HANCORP giải quyết” - vị này cho hay.

Tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đã tiến rất gần mục tiêu vận hành trước đoạn tuyến trên cao, hiện nay chỉ còn vướng mắc lớn nhất tại gói thầu xây dựng Depot Nhổn. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Đối với nhà thầu yếu kém, cố tình chây ì làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, lợi ích chung của Nhân dân, Hà Nội cần mạnh tay “trảm”, thay thế bằng nhà thầu khác. Không thể vì một nhân tố kém mà hi sinh lợi ích của cả TP”.

Các nhà tài trợ cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ lưu ý đến nguy cơ chậm trễ và tăng thêm chi phí nếu vấn đề không được giải quyết một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Lo ngại về tiến độ

Một vấn đề khác các nhà tài trợ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ là việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư để kéo dài ngày hoàn thành dự án chính thức. Mốc thời điểm theo dự kiến 31/12/2022 sẽ phải dời sang một mốc khác thực tế hơn. Việc chậm trễ kéo dài đương nhiên sẽ đòi hỏi phải điều chỉnh tăng chi phí dự án, sửa đổi và gia hạn những khoản vay để không gián đoạn thanh toán cho các nhà thầu.

Tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã trình đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư lên UBND TP Hà Nội nhưng hiện vẫn chưa được phê duyệt. Đối với vấn đề tranh chấp hợp đồng dẫn đến việc nhà thầu ngừng thi công và đe dọa chấm dứt hợp đồng phần ngầm (Gói thầu số 3), các nhà tài trợ cho biết, UBND TP Hà Nội đã có động thái rất quyết liệt.

Hai Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách dự án và khâu GPMB đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm giải quyết tình trạng chậm bàn giao và GPMB đang diễn ra. Đây được xem như giải pháp tiền đề để nhà thầu thi công trở lại trên công trường các nhà ga ngầm.

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Cơ quan phát triển Pháp (AFD) - Tổng cục Kho bạc Pháp (DGT) đều cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý ĐSĐT và UBND TP Hà Nội bằng mọi cách, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tuyến ĐSĐT số 3 Hà Nội nhanh chóng hoàn thành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân TP.  Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng mong muốn nhận được sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng để giúp khắc phục những khó khăn nêu trên.

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết vẫn đang tích cực đàm phán, tháo gỡ vướng mắc đối với các nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có đầy đủ điều kiện về mặt bằng để nhà thầu thi công, giảm bớt thời gian ngừng trệ cũng như thiệt hại cho cả chủ đầu tư lẫn các bên liên quan.

Có thể thấy, dự án ĐSĐT thí điểm đầu tiên do Hà Nội làm chủ đầu tư đã và đang gặp những khó khăn vô cùng lớn. Trong đó có phần nguyên nhân do chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện đối với loại hình dự án hoàn toàn mới là ĐSĐT.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những vấn đề nội tại như chậm trễ GPMB nhà thầu được lựa chọn ngay từ đầu thiếu năng lực, biến động phát sinh nhiều do thời gian thực hiện dự án quá dài…

Hà Nội rất cần những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt cũng như sự ủng hộ toàn diện của Chính phủ, đặc biệt trong việc xử lý nhà thầu yếu kém để tránh ảnh hưởng kéo dài đến toàn dự án.

 

Các nhà tài trợ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chính phủ có liên quan đẩy nhanh rà soát, phê duyệt kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục triển khai dự án. Đồng thời, đại diện các nhà tài trợ đưa ra đề xuất: Tất cả cơ quan ban ngành có liên quan có thể cho phép Chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án cho đến khi chính thức phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.