Đặc biết, đối với đoạn tuyến đi ngầm qua khu vực phố cổ, Hồ Gươm và phụ cận, Sở Quy hoạch kiến trúc đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiểm tra quá trình triển khai dự án trước đây về việc xin ý kiến Bộ VHTT&DL, đảm bảo quy trình quy định của Luật Di sản văn hóa.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) được UBND TP Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước. Dự án có chiều dài tuyến 11,5km, trong đó, 8,5km đi ngầm, 3km đi cao. Điểm đầu Nam Thăng Long (CIPUTRA) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Hệ thống nhà ga có 10 ga (3 ga trên cao, ga C1 đến ga C3; 7 ga ngầm, từ ga C4 đến ga C10). Đềpô đặt tại Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm với quy mô khoảng 17ha.
Mô hình một đoạn tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Trong thời gian qua, dự án có thay đổi về nội dung và quy mô đầu tư so với báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt như: điều chỉnh vị trí ga C1 Nam Thăng Long về hướng Bắc 23m, ga C5 về phía Bắc 3m, ga C8 dịch về phía Đông 60m... Với ga C5, các đơn vị thuộc TP Hà Nội đề nghị đơn vị tư vấn và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh lối lên xuống tại vỉa hè phía Tây phố Văn Cao theo hướng dịch chuyển về phía Cung Quần Ngựa và khả năng kết nối với nhà ga của tuyến đường sắt số 5. Với ga C6, cần nghiên cứu lối lên xuống phía giáp khu đất Hội Phụ nữ Việt Nam để không ảnh hưởng đến lối ra vào của công trình. Ga C7, cần khảo sát kỹ hàng cây xanh cổ thụ dọc hai bên tuyến Hoàng Hoa Thám, nghiên cứu điều chỉnh vị trí ga để tránh ảnh hưởng đến hàng cây xanh hiện có. Tương tự, với ga C8, phải khảo sát kỹ hàng cây xanh cổ thụ dọc hai bên đường Phan Đình Phùng và kết hợp ga Nam Long Biên của tuyến đường sắt số 1, khu đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhằm đảm bảo kết nối giữa các dự án đầu tư. Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đề nghị chủ đầu tư lưu ý triển khai đồng thời các quy trình bố trí quỹ đất tái định cư để đẩy nhanh tiển độ thực hiện dự án.
Việc tuyến đường sắt đô thị đi qua các khu vực nhạy cảm như phố cổ, Hồ Gươm, hay có thể tác động đến những hàng cây cổ thụ là vấn đề mà các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đang rất quan tâm. Nếu dự án không có giải pháp xử lý tốt sẽ ảnh hưởng, tác động đến những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa và những cảnh quan vô giá của Hà Nội.