Tuy nhiên hiện chưa một nhà ga nào trên cả hai tuyến ĐSĐT có các dịch vụ thiết yếu như: ăn, uống, mua sắm…
Tốt nhưng chưa đủ
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ĐSĐT vào phục vụ Nhân dân đi lại. Ngay lập tức loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn, hiện đại này đã tạo được sự tin tưởng và thu hút đông đảo người dân sử dụng làm phương tiện chính đi lại hàng ngày.
Những ưu điểm nổi bật của ĐSĐT như: rút ngắn thời gian di chuyển, tránh ùn tắc, thân thiện với môi trường, dễ tiếp cận, sử dụng đã được chứng minh rất rõ. Tuy nhiên, ĐSĐT vẫn chưa đáp ứng được hết mong muốn của hành khách.
Chị Lê Thị Thơ (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ: “ĐSĐT rất tốt, nhưng chưa đủ. Hiện nó mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại, còn các dịch vụ thiết yếu dành cho hành khách lại chưa có gì. Ví dụ buổi sáng, tôi muốn đến thẳng nhà ga, tranh thủ ăn nhẹ chút gì trong khi chờ tàu mà không có”.
Tương tự, sinh viên Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học GTVT) cho hay: “Những ngày trời nóng nực, đi bộ đến nhà ga tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy muốn mua một chai nước mát để uống nhưng không có. Tôi muốn đi một mạch đến ga rồi mới mua đồ để không bị lỡ tàu nhưng ngay cả máy bán hàng tự động cũng chưa được lắp đặt”.
Đó cũng là vấn đề mà đông đảo hành khách của ĐSĐT Hà Nội quan tâm. Thạc sĩ Tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh phân tích, tâm lý chung của người dân là ưu tiên đến ga mua vé, đợi tàu để đi làm đúng giờ. Nhiều người sẵn sàng đi sớm hơn một chút để dành thời gian ăn sáng, hoặc mua đồ uống rồi lên tàu cho thư thả.
“Không ít hành khách còn ngại phải dừng ăn, uống dọc đường. Họ cho rằng đồ ăn thức uống, hàng hóa bán ở nhà ga sẽ bảo đảm chất lượng hơn vì đây là khu vực do Nhà nước quản lý. Nhưng đáng tiếc là đến nay các nhà ga ĐSĐT đều chưa có những dịch vụ tối thiểu này để phục vụ người dân” - thạc sĩ Nguyễn Anh Minh nói.
Không chỉ dịch vụ ăn uống, mà mọi loại hình thương mại khác đều đang vắng bóng tại các nhà ga ĐSĐT. Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh chia sẻ, ở nhiều nước trên thế giới, ga tàu điện không chỉ là đầu mối giao thông, nó còn có khu thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, hoặc được xây đựng như công trình du lịch để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn cho đô thị.
Tất nhiên vẫn phải tập trung vào chức năng chính là giao thông, khó có thể biến nhà ga thành một khu thương mại đúng nghĩa, nhưng hầu hết các nhà ga đầu mối đều có siêu thị, hoặc tối thiểu là cửa hàng tiện ích tổng hợp để người dân có thể đi thẳng từ nhà đến ĐSĐT, tới nơi làm việc rồi quay lại nhà ga.
“Các đô thị lớn thường cố gắng sắp xếp chuyến đi của người dân thành một vòng tuần hoàn để quản lý nhu cầu giao thông, giảm thiểu số lượng chuyến đi trên đường. Nó không chỉ có lợi cho người dân mà còn góp phần không nhỏ giảm thiểu ùn tắc giao thông trên bộ” - thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.
Không nên quá dè dặt
Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021, đến nay sau 3 năm, các nhà ga vẫn trống trơn, chưa có dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân. Liên quan đến vấn đề này cả đơn vị quản lý, vận hành là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội lẫn Sở GTVT Hà Nội đều chưa có thông tin chính thức.
Việc hình thành chuỗi dịch vụ cung ứng cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân tại các nhà ga ĐSĐT là cần thiết và nên sớm được thực hiện. Tại nhà Ga Cát Linh cũng có một khu vực dành cho dịch vụ, thương mại rộng hàng nghìn mét vuông đang bỏ không, khá lãng phí suốt 3 năm qua. Thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói: “Thực tế đó cho thấy sự dè dặt, thận trọng hơn mức cần thiết của các cơ quan chức năng TP Hà Nội”.
Trong khi đó khu vực xung quanh nhiều nhà ga, quán “cóc”, hàng rong xuất hiện nhan nhản do nhu cầu ăn uống, mua sắm của người dân cao. Không ít nhà ga như tại Cát Linh (tuyến ĐSĐT số 2A), S8 Cầu Giấy (đoạn tuyến số 3) bị bủa vây bởi hàng quán, lực lượng chức năng cứ dẹp sau đó lại tái diễn, mà nguyên nhân chủ yếu là có cung thì sẽ có cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng phương án cho phép kinh doanh dịch vụ thiết yếu tại các nhà ga ĐSĐT. Trước tiên phải rà soát, xác định những vị trí có đủ điều kiện, diện tích để kinh doanh. Sau đó tiến hành đấu thầu cho thuê ki ốt dịch vụ, với tiêu chí bảo đảm an toàn, chất lượng cho người dân, và không gây ảnh hưởng đến hoạt động chạy tàu. Những nhà ga không đủ diện tích cho kinh doanh thì tối thiểu phải có máy bán hàng tự động để phục vụ hành khách.
Có hệ thống dịch vụ không chỉ thuận tiện cho hành khách mà các nhà ga và ĐSĐT còn gia tăng sức hút với người dân, là một trong những điều kiện để khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng VTHKCC. Hơn nữa, khi các nhà ga có dịch vụ thiết yếu, hiện tượng buôn bán hàng rong xung quanh cũng sẽ tự giảm thiểu, bớt đi những hình ảnh phản cảm, góp phần giữ gìn trật tự, văn minh đô thị.
Mặt khác, trong tương lai Hà Nội còn nhiều tuyến ĐSĐT được đầu tư, xây dựng. Việc lựa chọn một số nhà ga, thí điểm dịch vụ thương mại là rất cần thiết để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng bộ quy định, quy tắc chuẩn cho các hoạt động này khi phổ biến trên diện rộng.
Bên cạnh đó, nhà ga ĐSĐT là đầu mối giao thông tập trung đông người bao gồm cả Nhân dân Thủ đô lẫn khách du lịch, khách vãng lai. Đây là môi trường tự nhiên rất tốt để tổ chức các sự kiện văn hóa, điểm hỗ trợ du lịch. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, các nhà ga ĐSĐT sẽ phát huy được tiềm năng, trở thành điểm hướng dẫn du lịch, thậm chí là địa chỉ tham quan cho du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội văn minh, hiện đại và đáng sống.
Để các nhà ga ĐSĐT còn khoảng trống như hiện nay là một sự lãng phí cần sớm được khắc phục. Đông đảo người dân đang rất mong chờ TP Hà Nội dành sự quan tâm hơn nữa, sớm đưa dịch vụ, thương mại vào “đời sống” của ĐSĐT, nâng cao giá trị của loại hình VTHKCC hiện đại này cũng như đáp ứng nhu cầu toàn diện của hành khách.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Trần Tuấn Anh