Đường sắt nâng cấp dịch vụ dịp lễ 30/4

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/4, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản số 722/CĐSVN-VTKHCN đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện biện pháp đảm bảo vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5..

Đường sắt nâng cấp dịch vụ dịp lễ 30/4 - Ảnh 1
Các doanh nghiệp đường sắt cần chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ, phòng chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh, phòng chống buôn lậu,... trong thời điểm nghỉ lễ.

Cụ thể, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra và quản lý chặt chẽ đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu, quy trình tác nghiệp và nồng độ cồn khi lên ban làm việc. Kiên quyết không đưa các phương tiện đầu máy, toa xe đặc biệt là toa xe khách không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào khai thác.

Bố trí lực lượng và phương tiện cứu viện thường trực trên các tuyến để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống cần cứu viện xảy ra. Tổ chức các đoàn kiểm tra chốt, trực tại các nhà ga, đoàn tàu đông khách, các địa điểm xung yếu, tình hình an ninh phức tạp để đảm bảo an toàn chạy tàu và phục vụ tốt hành khách đi lại trước, trong và sau dịp nghỉ lễ.

Chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu, an toàn lao động và không gây ùn tắc giao thông đường bộ, đường sắt.

Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng địa phương nơi có đường sắt đi qua làm tốt công tác an ninh, trật tự, phòng, chống nạn cò mồi, phe vé, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và giải quyết kịp thời các sự cố, trở ngại nếu có xảy ra.

Yêu cầu đối với các Công ty Cổ phần vận tải đường sắt, ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên, phải bám sát diễn biến của luồng hành khách đi tàu để chủ động kế hoạch lập thêm tàu, nối thêm xe đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của hành khách; duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga; tăng cường lực lượng bảo vệ trên tàu, dưới ga để làm tốt công tác an ninh trật tự trên các đoàn tàu đông khách, chạy trên các tuyến phức tạp và tại các nhà ga đông khách.

Đặc biệt, những công ty này cần chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ, phòng chống khủng bố, phòng chống dịch bệnh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tàu, dưới ga đặc biệt là trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến Hà Nội - Lao Cai, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.

Tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, tung tin, truyền đơn phản động; làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực dịch vụ tại nhà ga, trên các đoàn tàu có phục vụ ăn uống cho hành khách; quản lý chặt chẽ lực lượng lao động thời vụ tăng thêm trong việc chấp hành quy trình tác nghiệp và nội quy an toàn lao động.

Bên cạnh đó, các Công ty Cổ phần đường sắt, Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt tăng cường các điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường sắt đặc biệt là hệ thống biển báo, hệ thống thông tin tín hiệu phục vụ chạy tàu, hệ thống cảnh báo tự động đường ngang, giàn chắn, cần chắn tự động đầy đủ và hoạt động tốt; đảm bảo tầm nhìn thông thoáng cho lái tàu trên dọc tuyến, phòng chống ùn tắc giao thông tại các đường ngang, cầu chung nhất là các đường ngang, cầu chung trong khu vực thành phố; tăng cường lực lượng cảnh giới, chốt gác tại các đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động có mật độ tàu và phương tiện đường bộ qua lại nhiều.