Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chuẩn bị chạy thử

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 12 tới, đoạn tuyến trên cao từ ga S1 - S8, đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm an toàn. Đoạn tuyến ngầm từ ga S9 - S12 cũng đã được thi công trở lại.

Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chuẩn bị chạy thử - Ảnh 1
 Đoạn tuyến trên cao, ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ chạy thử vào tháng 12 tới.

Đánh giá hiệu suất và an toàn

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, từ đầu tháng 12 tới, đoạn tuyến trên cao, dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm liên tục để đánh giá hiệu suất và các yếu tố an toàn.

Quá trình chạy thử, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và cơ quan chuyên môn sẽ đưa ra 5 kịch bản giả định tàu gặp sự cố. Cụ thể đó là kịch bản: mất điện toàn tuyến hoặc một số tuyến; mất nguồn cấp điện phụ trợ; phát hiện cháy tại một ga; và tình huống xuất hiện tàu cứu hộ.

Trong giai đoạn này, mỗi ngày sẽ có tối thiểu 4 đoàn tàu, tối đa 8 đoàn tàu chạy thử từ 9 - 19 giờ các ngày từ thứ 2 - thứ 6 trong tuần. Mỗi chuyến tàu chạy thử sẽ được vận hành bởi các nhân viên kỹ thuật đã được cấp chứng chỉ; có sự tham gia quan sát, đánh giá của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị vận hành sau này; và Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu Nhà nước.

Ông Lê Trung Hiếu cũng cho biết, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, năm 2022 sẽ đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao; đoạn đi ngầm được đưa vào khai thác trong năm 2027.

“Thời gian qua, nhờ có sự sát sao đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, UBDN TP và nỗ lực từ Chủ đầu tư cũng như các nhà thầu, tiến độ dự án nói chung và đoạn tuyến trên cao đã có những bước tiến rất tích cực” – ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.

Đoạn trên cao tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, bắt đầu từ ga Nhổn (S1) đến ga trước cổng Trường Đại học GTVT, quận Cầu Giấy (S8). Khi đi vào vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35km/giờ, với 8 đoàn tàu cùng hoạt động, một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm và một đoàn tàu cứu hộ.

Ông Nguyễn Văn Luyến (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Nhu cầu đi lại bằng vận tải công cộng, đặc biệt là loại hình hiện đại, văn minh như ĐSĐT của người dân hiện nay rất lớn. Chúng tôi rất mong mỏi đoạn tuyến Nhổn - Cầu Giấy sớm đi vào hoạt động để phục vụ Nhân dân”.

Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chuẩn bị chạy thử - Ảnh 2
 Các ga ngầm từ S9 - S12 bắt đầu thi công trở lại.

Hoàn tất giải phóng mặt bằng

Liên quan đến tuyến ngầm từ ga S9 - S12, dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, thời gian qua, do nhiều vướng mắc liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) nên buộc phải tạm dừng thi công từ tháng 8/2021. 

“Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt từng ngày của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cũng như lãnh đạo UBND TP nên mấu chốt là khâu GPMB đã được tháo gỡ toàn bộ” - ông Lê Trung Hiếu nói và cho biết thêm.

Tất cả các hộ dân đang còn vướng mắc tại mặt bằng thi công 4 nhà ga ngầm cũng như 50 hộ dân bị ảnh hưởng khi thi công ray ngầm hiện cũng đã được đền bù và nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tạm cư.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Chưa khi nào Hà Nội quyết liệt với các dự án giao thông như thời gian này. Ví dụ như công tác GPMB đoạn ngầm dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Hội, lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP đã họp với các địa phương mỗi tháng một lần, chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn kéo dài suốt nhiều năm qua trong vài tháng. Không chỉ Chủ đầu tư, nhà thầu mà ngay chính Nhân dân cũng rất phấn khởi”.

Ngay khi tháo gỡ vướng mắc về GPMB, vừa qua nhà thầu thi công gói CP3 (gói các ga ngầm) dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã có công văn đề nghị chính thức và được phép thi công trở lại trên công trường.

Hiện tại công trường của 4 ga ngầm từ S9 - S12 đã được dọn dẹp, quây rào các vị trí, hoàn trả lại phạm vi đã thi công xong; ga S12 đã bắt đầu thi công trở lại. Với tiến độ, tiến trình mới mà nhà thầu lập ra, khoảng giữa năm 2023,  robot đào hầm TBM sẽ bắt đầu thi công các tuyến, các ống hầm nối giữa 4 ga ngầm.

Ông Lê Trung Hiếu lý giải, muốn đào hầm được thì phải hoàn thành tất cả các nhà ga gầm, đặc biệt là phạm vi tầng chạy tàu tại các ga ngầm. Về kỹ thuật thì robot đào hầm TBM được thiết kế để có thể đào được tối đa là 18 mét trên một ngày..

“Chúng tôi cũng đã tiến hành cùng với tư vấn lập một kế hoạch chi tiết. Đối với các khuyến nghị của chuyên gia, đặc biệt là khuyến nghị của tư vấn, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cũng như đảm bảo chất lượng công trình. Công nghệ đào ngầm bằng robot TBM có ưu điểm đào tới đâu sẽ lắp đặt xong vỏ hầm tới đó nên một khi đã tiến hành được sẽ đạt tiến độ rất khả quan”.

“Hiện Chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn những vấn đề cần thương thảo. Tuy nhiên, chúng tôi đều xác định, việc thi công phải được tiến hành song song với quá trình xử lý các khúc mắc để đảm bảo tiến độ toàn dự án” - ông Lê Trung Hiếu nói.