Đường vẫn còn xa

Giang Ngô
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ thật khập khiễng nếu như so sánh khả năng kiếm tiền của các đội bóng nổi tiếng ở châu Âu với những CLB bóng đá Việt Nam, nhưng sau hơn chục năm làm bóng đá chuyên nghiệp, một số đội bóng Việt Nam cũng bắt đầu thu được những thành quả đầu tiên.

Cổ động viên cổ vũ trên sân Hàng Đẫy.
Hiệu ứng U23 Việt Nam

Sau kỳ tích bất ngờ với ngôi vị á quân của đội U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á đầu năm 2018 mà ngay cả khi V.League 2018 chưa khởi tranh, CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thu về hàng trăm triệu đồng nhờ bán vé cả mùa. Với sự xuất hiện của những ngôi sao U23 trong đội hình như Xuân Trường, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn, HAGL đã trở thành một trong những đội bóng có sức hút lớn nhất ở V.League.

Điều đó được thể hiện khi chỉ trong vòng 3 ngày mở bán vé (từ 4 - 6/3/2018), HAGL đã bán hơn 700 vé cả mùa, với doanh thu lước tính tối thiểu trên 350 triệu đồng. Tất nhiên, con số vài trăm triệu đồng này không thấm tháp gì so với khoản đầu tư cả trăm tỷ đồng của bầu Đức dành cho HAGL mỗi năm, nhưng dẫu sao đấy cũng là một chỉ dấu tích cực cho thấy HAGL đã bắt đầu thu được lợi nhuận từ bóng đá.

Kể từ khi lứa cầu thủ thuộc Học viện HAGL xuất xưởng năm 2015 như Xuân Trường, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn, HAGL đã liên tục thu được lợi nhuận từ bóng đá. Chẳng hạn, tại V.League 2015, tổng doanh thu của đội bóng từ các hợp đồng quảng cáo và bán vé là trên 20 tỷ đồng, trong khi đó, con số này ở mùa giải 2014, thời điểm lứa Công Phượng chưa được đôn lên thi đấu, chỉ là 8 tỷ đồng.

Theo tiết lộ của HAGL, mỗi biển quảng cáo trên sân của họ cũng có giá trên 100 triệu đồng, còn tiền bán vé từ năm 2015 tới nay luôn nhiều hơn 5 tỷ đồng/mùa. Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp hóa ngày càng rõ nét là việc HAGL có một khoản thu tương đối từ tiền bán áo thi đấu của các cầu thủ cho các CĐV. Không chỉ có vậy, việc các cầu thủ HAGL đắt sô quảng cáo cá nhân cũng giúp CLB HAGL thu về cả tỷ bạc.

Tương tự, CLB Hà Nội cũng được hưởng lợi lớn nhờ hiệu ứng của đội U23 Việt Nam, khi mà đội bóng Thủ đô đóng góp phân nửa cầu thủ trong đội hình chính thức. Tại V.League 2018 vừa qua, CLB Hà Nội đã thu được gần 10 tỷ đồng tiền bán vé, điều không thể tưởng tượng được với một đội bóng từng bị coi là sở hữu sân nhà kiểu “chùa Bà Đanh” của V.League.

Trong 2 trận gặp HAGL ở mùa bóng 2018 (một lần tại V.League, một lần tại Cúp Quốc gia), sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội đều chật kín khán giả và đạt được sức chứa gần như tối đa là hơn 2 vạn người. Với việc sở hữu trong đội hình ngôi sao bóng đá số một Việt Nam hiện nay là Quang Hải, CLB Hà Nội đã thu về được rất nhiều tiền từ những bản hợp đồng quảng cáo cá nhân của tiền vệ này. Sức hút bây giờ của CLB Hà Nội lớn tới mức ngay khi đội bóng vừa công bố mẫu áo đấu cho mùa giải 2019 trên fanpage đã có CĐV từ tận Malaysia tìm đến để đăng ký mua.

Bao giờ giống Tây?

Tuy nhiên, ngày mà các đội bóng Việt Nam có thể kiếm được nhiều tiền như Real Madrid hay Manchester United là chuyện còn rất xa. Bởi cho đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thu được bao nhiêu từ một nguồn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” với các đội bóng lớn trên thế giới, đó là tiền bản quyền truyền hình. Cho đến thời điểm hiện tại, bản quyền truyền hình của V.League vẫn chủ yếu được thực hiện trao đổi theo phương thức "hàng đổi hàng", tức là đơn vị sản xuất các trận đấu - Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được nhà đài phát sóng trả lại quyền lợi bằng cách cho VPF 5 phút quảng cáo trước hiệp 1, 5 phút cuối hiệp 2 và 15 phút giữa hai hiệp.

Bắt đầu từ mùa giải 2018, VPF đã đạt được thỏa thuận với NextMedia, đơn vị được giao phân phối bản quyền truyền hình các giải đấu quốc nội, để bên cạnh việc tiếp tục phương thức “hàng đổi hàng”, VPF sẽ có thêm một khoản kinh phí đáng kể từ bản quyền truyền hình. Trong tương lai không xa, nếu VPF có thể tiếp tục cải thiện nguồn thu từ bản quyền truyền hình và bản thân các đội bóng biết cách tự kiếm tiền bằng các hoạt động kinh doanh truyền thống như bán biển quảng cáo, áo đấu, ký kết hợp đồng tài trợ… thì ngày bóng đá Việt Nam có thể tự nuôi sống mình cũng không hẳn là không thể trở thành hiện thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần