Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các địa phương có đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đi qua gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại cuộc họp, các địa phương đã đặt mục tiêu quyết tâm triển khai nhiều nhóm công việc để giữa năm 2024, các địa phương sẽ trình dự án vành đai 4 lên Quốc hội, và sẽ đồng loạt khởi công vào năm 2025.
Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, dự án vành đai 4 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 206 km đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là dự án kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng nên nếu triển khai đoạn nào hoàn thành trước thì có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm.
Qua quá trình nghiên cứu, các địa phương đã đưa ra hai phương án để làm vành đai 4.
Phương án 1: các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án tại mỗi tỉnh, đáp ứng tiến độ khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Phương án 2: gộp toàn bộ tuyến vành đai 4 thành một dự án để thực hiện, song phương án này sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư rất lớn, kéo dài thời gian chuẩn bị và khó đáp ứng tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, hiện nay đa số các địa phương đang khó về vấn đề thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án vành đai 4. Vì vậy, theo ông Lâm, các đơn vị tiếp tục rà soát nguồn vốn, tiếp tục triển khai nhiều nhóm công việc để sẵn sàng khởi công vành đai 4 vào năm 2025.
Tại cuộc họp, các tỉnh thành có tuyến vành đai 4 đi qua đều thống nhất với phương án 1 để triển khai dự án. Theo đó, các địa phương cùng kiến nghị sớm trình Quốc hội, xin cơ chế đặc thù để làm vành đai 4, đặc biệt là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương làm dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các địa phương cũng đã nghiên cứu vành đai 4 và cuộc họp hôm nay cần thống nhất về mốc triển khai, tiến độ, cần đưa ra các đầu bài cụ thể để cùng triển khai.
Ông Mãi cũng đề nghị, các tỉnh có vành đai 4 đi qua cần nỗ lực để kịp trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 6/2024 và khởi công vào năm 2025.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án vành đai 4 TP Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến giao thông liên kết vùng mà còn mở ra kết nối thông thoáng với Tây Nguyên.
Dự án vành đai 4 cũng cần có đơn vị Tư vấn chung cho toàn dự án để tổng hợp, tư vấn và phản biện về kế hoạch triển khai của các dự án thành phần.
Vì vậy, ông Tuấn đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, đối chiếu quy hoạch hướng tuyến đã duyệt chưa. Bên cạnh đó là hiện trạng các khu công nghiệp, khu dân cư để bố trí sao cho phù hợp.