Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duy trì tổ y tế cơ động phòng, chống thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/6, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020 tại tỉnh Yên Bái.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh cho biết, Yên Bái là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Do vậy công tác PCTT&TKCN luôn được địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Tỉnh cũng đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong PCTT. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng được chỉ đạo, triển khai khẩn trương, quyết liệt, kịp thời trong thời gian qua.
 Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Ngọc Hà. 
Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã đề xuất với đoàn công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT chỉ đạo việc xây dựng, nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành PCTT. Cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung kịp thời trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho ngành y tế khi có đề xuất phục vụ PCTT&TKCN; ban hành hướng dẫn chuyên môn, tập huấn cho cán bộ y tế để quản lý, dự phòng và điều trị cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao công tác PCTT&TKCN của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành để chỉ đạo có hiệu quả công tác PCTT&TKCN trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra; đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai ở cơ sở; tiếp tục thành lập và duy trì những tổ y tế cơ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên địa bàn, thực hiện tốt công tác phòng dịch, khử trùng trên địa bàn sau thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân thay đổi nhận thức và chủ động phòng chống, ứng phó khi có thiên tai xảy ra.