Duyên hay nợ

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta nói vợ chồng đến với nhau như một cái duyên. Nhưng với không ít người phụ nữ, sau cái duyên ấy, năm tháng hạnh phúc của hôn nhân chỉ đếm từng ngày từng tháng, còn lại là đằng đẵng những nỗi buồn.

Đã không ít lần chị tự hỏi, có phải mình đã sai ngay từ đầu khi bước chân vào cuộc hôn nhân này. Có thể, họ cũng đến với nhau vì tình yêu, nhưng tình yêu ấy không đủ lớn để nuôi dưỡng hạnh phúc. Chị kể, khi yêu, anh là một người nhỏ nhẹ, lịch sự, nhưng có gì đó khiến người đối diện không thấy tin tưởng. Bởi vậy, khi chị giới thiệu với gia đình, bố mẹ chị có ý phản đối, ông bà sợ lấy anh, chị sẽ khổ. Nhưng rồi, chính chị cũng không thấy có lý do gì phải chấm dứt mối quan hệ ấy, bởi chị tin vào tình yêu của anh.
 Ảnh minh họa.
Nhưng thật buồn, cái mơ hồ mà bố mẹ chị nhận ra ấy đã hiển hiện ngay sau ngày cưới không lâu. Về sống chung dưới một mái nhà, chị mới biết đằng sau cái vẻ nhỏ nhẹ, mềm mỏng của chồng mình là một con người không mấy dễ chịu. Anh không bao giờ đụng tay đụng chân vào việc nhà đã đành, mà tiền kiếm được đồng nào anh cũng nướng hết vào lô, đề, nhậu nhẹt. Tệ hơn, anh còn không để chị yên với cái thói ghen bóng gió. Thi thoảng thấy chị đi đâu về muộn hay có bạn bè đến chơi, anh lại gây chuyện. Chửi mắng chán, nhiều lần anh còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ… Con người thật của anh quá đối nghịch với những gì chị từng biết, nên nhiều lúc chị thấy mình như đang sống với ai chứ không phải người chồng gối ấp tay kề. Càng sống chung, chị càng thấy sai lầm khi vội quyết định đi đến hôn nhân, càng sai lầm khi chị để chồng mặc sức chạy theo những thói sống xấu, và chị càng sai hơn khi đã âm thầm cay đắng một mình hứng chịu những nỗi đau này. Cái quan niệm “xấu chàng hổ ai” đã khiến chị đưa ra biết bao lý do bao biện cho chồng và cả cho hoàn cảnh chính mình. Có những lúc, chị thấy mình không thể tiếp tục được. Mệt cả về thể xác và tinh thần khiến chị ngã quỵ.

Một trường hợp khác cũng rơi vào cảnh “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, ấy là người phụ nữ lấy chồng đã gần chục năm, nhưng hạnh phúc thực sự chị được hưởng chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Chị lấy chồng do một người họ hàng làm mối, và đến bây giờ, chị cũng không hiểu vì nguyên cớ gì mà anh lại đồng ý lấy chị. Khách quan mà nói, chị thua kém anh về hình thức. Thời gian đầu khi mới cưới nhau, anh từng là niềm tự hào của chị trước bạn bè, họ hàng. Khi đó, anh cũng không mấy bận tâm đến nhan sắc của chị. Chị bằng lòng với cuộc sống và ra sức vun đắt cho hạnh phúc ấy, bù đắp “khuyết điểm” hình thức của mình.

Nhưng cuộc sống gia đình không thể nói là ngập tràn tiếng cười nhưng yên ả ấy cũng trôi đi nhanh chóng. Sau khi sinh con, nhan sắc chị ngày một “xuống cấp”, trong những cuộc rượu chè, bị bạn bè khích bác, dèm pha, anh bắt đầu thấy, vợ quá xấu so với mình. Vậy rồi, anh cứ xa dần, xa dần, đến lạnh lùng. Anh hạn chế đi cùng chị ở mỗi cuộc vui cùng bạn bè, gia đình. Sau mỗi trận say, anh lại lôi chị ra đay nghiến và cho rằng, chị đã làm hỏng cuộc đời anh. Rồi, một ngày, anh triền miên với những cuộc vui bên ngoài, coi chị là người vợ hờ, gia đình chỉ là cái nhà trọ, chỉ trở về khi đã quá mệt.

Chị bảo, cuộc sống gia đình chị trượt dài trong bất hạnh. Những lúc không dằn lòng được, chị hỏi anh có còn nghĩ gì đến gia đình không, có nghĩ mình xứng đáng là người cha hay không. Đáp lại chị chỉ là sự lạnh lùng. Chị biết mình có thể không phải là niềm tự hào của chồng, nhưng họ đã chọn đến với nhau như một cái duyên. Nhưng có lẽ cái duyên ấy vốn dĩ đã không tồn tại ngay từ đầu, chỉ là chị “đa mang” mà thôi.

Trở lại chuyện người phụ nữ ở trên, cay đắng nhất với chị có lẽ là lần chị sinh con, cũng là lúc anh cuốn hết tiền bạc trong nhà bỏ đi theo cái gọi là “mối làm ăn”. Chị chết lặng, nhưng chị biết làm gì đây? Phản kháng cũng bằng thừa trước một người không còn biết gì là lẽ phải nữa. Chị đưa đơn xin ly hôn nhưng anh không chịu buông tha. Có những lúc chị cứ tự hỏi mình, không biết kiếp trước chị ăn ở ra sao mà kiếp này trời hành lắm vậy. Người mà chị gọi là chồng ấy đang trở thành cái nợ không buông. Cay đắng lắm, tủi nhục nhiều, ấy vậy nhưng nhiều lúc chị vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đời sao lắm bất công, ngang trái.