Kinhtedothi - Kết thúc cuộc họp ngày 4/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và thông báo đã sẵn sàng hành động vào đầu năm tới nếu Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có dấu hiệu giảm phát để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại cuộc họp cuối cùng của năm nay, ECB quyết định không thay đổi mức lãi suất tái cấp vốn chủ chốt 0,05% và hai loại lãi suất khác là lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất tiền gửi ở các mức tương ứng 0,3% và -0,2%.
Theo dự báo mới của ECB, lạm phát ở khu vực đồng tiền chung sẽ ở mức trung bình 0,5% trong năm 2014, tăng lên 0,7% năm 2015 và 1,3% vào năm 2016, có nghĩa sẽ không sớm đạt được mục tiêu là khoảng 2%.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ chỉ đạt mức khiêm tốn 0,8% trong năm 2014, 1% năm 2015 và 1,5% trong năm 2016, một mức không phải là cao. Các dự báo mới về lạm phát và tăng trưởng trong năm tới đã bị hạ đáng kể từ các mức trước đó là 1,1% và 1,6%. Quyết định ECB trong việc hạ đáng kể dự báo tăng trưởng và lạm phát trong ba năm tới có nghĩa có lý do để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Chủ tịch ECB Mario Draghi nói ngân hàng này đang đẩy mạnh việc chuẩn bị các biện pháp kích thích bổ sung theo cách mà các ngân hàng trung ương Anh, Nhật Bản và Mỹ đã làm.
Chủ tịch ECB cho biết, vào đầu năm tới, ECB sẽ đánh giá lại hiệu quả của các biện pháp kích thích đã thực hiện, việc mở rộng bản quyết toán và xu hướng giá cả. Nếu cần có thêm hành động để ngăn chặn những rủi ro phát sinh từ việc lạm phát thấp trong một thời gian quá dài, ECB sẽ vẫn đồng thuận trong cam kết sử dụng các công cụ bổ sung chưa có tiền lệ trong quyền hạn, liên quan đến việc điều chỉnh vào đầu năm tới về quy mô, tốc độ và các biện pháp sẽ được thực hiện.
Ông Draghi nói bất kỳ quyết định nào về việc khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) sẽ không cần có sự đồng thuận của hội đồng điều hành. Ông cũng cho biết thêm QE có thể có nhiều hình thức, không chỉ là mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc có thực hiện QE hay không và nếu có thì khi nào.
Trên quan điểm của một số nhà quan sát, những phát biểu của ông Draghi là một dấu hiệu rõ ràng rằng QE sẽ sớm được thực hiện. Theo nhà kinh tế Joerg Kraemer của Commerzbank, ECB sẽ quyết định về chương trình mua trái phiếu chính phủ tại một trong ba cuộc họp đầu tiên của năm tới.
Nhà kinh tế Christian Schulz ở Berenberg Bank dự đoán ECB sẽ thông báo các biện pháp bổ sung vào ngày 22/1 hoặc ngày 5/3. Tuy nhiên, chương trình QE của ECB được cho là sẽ không thể có quy mô như của Mỹ, Anh, chưa nói đến Nhật Bản.
Cho đến nay, ECB đã thực hiện nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng thông qua chương trình tái cấp vốn dài hạn và cũng đã thông báo chương trình mua tài sản (chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo) để cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính.
Một lý do khiến ECB vẫn chưa thực hiện QE là sự nghi ngờ về hiệu quả của nó, đặc biệt là từ Đức, do lo ngại việc này sẽ khuyến khích các chính phủ vay mượn một cách thiếu thận trọng.
Chủ tịch ECB Mario Draghi. (Nguồn: moneyweek)
|