ECB thúc đẩy cơ chế giải quyết các ngân hàng phá sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/2, trong khuôn khổ một cuộc hội thảo được tổ chức tại Ngân hàng Trung ương...

Kinhtedothi - Ngày 12/2, trong khuôn khổ một cuộc hội thảo được tổ chức tại Ngân hàng Trung ương Bỉ, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã kiến nghị khẩn trương thúc đẩy việc hoàn thiện Cơ chế giải quyết duy nhất (SRM) của Liên minh châu Âu (EU).

Theo thỏa thuận giữa các bộ trưởng Tài chính châu Âu hồi giữa tháng 12 năm ngoái, EU sẽ xây dựng SRM nhằm đóng cửa một ngân hàng có nguy cơ vỡ nợ trước khi định chế này gây quá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Đây được coi là một thành tố trong Liên minh ngân hàng mà EU đang xúc tiến thành lập.

 
ECB thúc đẩy cơ chế giải quyết các ngân hàng phá sản - Ảnh 1
SRM hoạt động dựa trên nguồn quỹ do chính các ngân hàng các nước đóng góp và phải tuân thủ Cơ chế giám sát duy nhất (SSM) đã được nhất trí, do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều hành.

Tuy nhiên, sau khi chính thức ra mắt vào năm 2016, dự kiến, công cụ hỗ trợ tài chính này sẽ phải đợi đến đến năm 2026 mới có thể vận hành toàn diện với nguồn vốn lên đến 55 tỷ euro.

Theo ông Mario Draghi, lộ trình dự kiến này là “quá dài” và “có nguy cơ trở nên bất định." Người đứng đầu ECB cho rằng một lộ trình năm năm là phù hợp để hoàn thiện và đưa SRM vào hoạt động toàn diện.

Ngoài ra, ông Mario Draghi cũng đề xuất xem xét xây dựng một cơ chế đảm bảo tạm thời trong trường hợp SRM không có đủ năng lực tài chính. Theo đó, thông qua cơ chế tạm thời này, các ngân hàng khó khăn có thể vay vốn trên thị trường với sự đảm bảo của các quốc gia thành viên; hay tiếp cận các khoản tín dụng khẩn cấp của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần