Eriksen đột quỵ và "hồi sinh": Giá trị của tinh thần nhân văn và hình ảnh đẹp trong bóng đá

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở trận đấu giữa ĐT Đan Mạch và ĐT Phần Lan tại EURO 2020, hình ảnh tiền vệ Christian Eriksen bỗng nhiên ngã xuống khi không va chạm với ai đã tạo ra sự ám ảnh cho người hâm mộ. Nhưng đằng sau điều không may đó là sự nhân văn và hình ảnh đẹp mà bóng đá mang lại.

Tiền vệ Christian Eriksen được đưa vào viên sau khi mất 10 phút sơ cứu tại sân.

Nỗi ám ảnh đột quỵ trong bóng đá

Cụ thể, phút thứ 43 của trận đấu tại bảng B của EURO 2020 giữa ĐT Đan Mạch và ĐT Phần Lan đã phải tạm dừng khi tiền vệ Christian Eriksen đã ngã gục xuống trong một tình huống không va chạm với ai tạo ra sự bàng hoàng ngay tại sân cỏ. Ngay lập tức, tiền vệ người Đan Mạch đã được sơ cứu tại sân khiến nhiều người lo lắng, sau khoảng 10 phút cầu thủ số 10 của ĐT Đan Mạch đã được đưa đến bệnh viện.

Trong lịch sử bóng đá, việc đột quỵ trên sân như Christian Eriksen không phải là trường hợp đầu tiên. Vào năm 2012 ở trận tứ kết FA Cup giữa Bolton và Tottenham, cũng ở phút thứ 43 của trận đấu, cầu thủ Muamba đã ngã xuống sân. Ngay lập tức những biện pháp sơ cứu hồi sức tim đã được diễn ra ngay trên sân nhưng kết quả không mấy khả quả, trận đấu phải tạm hoãn và Muamba được đưa đến bệnh viện. Nhiều cổ động viên có mặt tại sân đã phải “chết đứng” với hình ảnh này, nhưng may mắn với Muamba khi anh đã được cứu sống. Điều đáng tiếc là cầu thủ này phải chia tay với sự nghiệp cầu thủ. Hay như mới nhất cách đây 1 năm, trong trận đấu giữa Al-Hilal và Al-Ahli tại giải VĐQG Saudi Arabia, tiền đạo Bafetimbi Gomis cũng bỗng nhiên đã xuống sân trong sự bất ngờ của cổ động viên và các cầu thủ. Tuy nhiên, sau sự can thiệp của các nhân viên y tế của đội cũng như ở sân giúp Gomis đã tỉnh lại. Cầu thủ người Pháp thậm chí còn quay trở lại sân và chơi trọn vẹn 90 phút.

Ngoài những trường hợp có thể “hồi sinh” như Muamba, Gomis… thì nhiều cầu thủ đã không có được may mắn như hậu vệ Puerta của Sevilla trong trận đấu với Getafe vào năm 2012. Sau 35 phút bóng lăn, hậu vệ Puerta của Sevilla bất ngờ ngã bất tỉnh, dù cầu thủ này đã tỉnh lại và được đưa ra ngoài sơ cứu, nhưng lại tiếp tục ngất xỉu trong phòng thay đồ. Sau đó, Puerta được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng chết lâm sàng và qua đời sau đó 3 ngày, ở tuổi 22. Ngoài ra phải kể đến tiền vệ Morosini của CLB Livorno trong trận đấu với Pescara thuộc giải Serie B cũng đã không may mắn và qua đời ở tuổi 25, trường hợp của Fehér Miklós cũng qua đời ở tuổi 25 trong 1 trận đấu giữa Benfica và Guimaraes…

Việc xảy ra sự cố ở một trận đấu là điều mà không ai mong muốn, đặc biệt đó là những vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết. Sự cố của tiền vệ Christian Eriksen của Đan Mạch tiếp tục gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho các cầu thủ bóng đá nói riêng cũng như VĐV chuyên nghiệp nói chung về tình trạng quá tải về thể lực, khi phải trải qua một mùa giải dài với nhiều trận đấu.

“Bóng đá không chỉ là đá bóng”

Sẽ khó có thể quên được với những ai có mặt trực tiếp chứng kiến trận đấu giữa ĐT Đan Mạch và ĐT Phần Lan về hình ảnh Christian Eriksen ngã xuống. Một nỗi kinh hoàng đối với nhiều người, và nó khiến những người trong cuộc cũng như chứng kiến gián tiếp phải khiếp sợ.

Một trận đấu bóng đá diễn ra với 22 cầu thủ của 2 đội tranh nhau 1 quả bóng, nó sẽ là vô bổ đối với những người không có niềm mê với trái bóng tròn, dẫu biết mỗi người có sở thích, có sự lựa chọn riêng cho mình. Tuy nhiên, sự cố của Christian Eriksen cho thấy những hình ảnh đẹp, sự nhân văn từ cầu thủ cho đến những cổ động viên, bởi… “bóng đá không chỉ là đá bóng”.
Nhiều cầu thủ của ĐT Đan Mạch và các cổ động viên bật khóc sau cú ngã của Eriksen.

Phút thứ 43 của trận đấu, Christian Eriksen đã ngã gục xuống, trọng tài Anthony Taylor đã nhận thấy sự việc nghiêm trọng đối với tiền vệ này để có những phản ứng nhanh khi cho trận đấu tạm dừng, ngay lập tức đã bác sĩ có mặt để xử lý kịp thời đối cho Christian Eriksen. Đặc biệt, sau trận đấu

Bên cạnh đó, Simon Kjaer xứng đáng là hình ảnh của một người đội trưởng mẫu mực khi đeo chiếc băng đội trưởng trên tay. Chính Simon Kjaer cũng đã đã ngăn Eriksen nuốt lưỡi, hô hấp nhân tạo cho Eriksen đến khi đội ngũ y tế vào làm việc anh mới đứng dậy và không rời mắt khỏi đồng đội. Simon Kjaer cũng chỉ đạo các đồng đội đứng làm hàng rào để che chắn những ống kính máy quay ghi lại những hình ảnh cấp cứu của các bác sĩ và cũng chính người đội trưởng này cùng thủ môn Kasper Schmeichel để động viên, an ủi trước cú sốc của vợ Eriksen. Cũng phải nhắc đến hình ảnh các cầu thủ ĐT Phần Lan đã đứng cổ vũ khi các cầu thủ ĐT Đan Mạch có thể ra sân tiếp tục thi đấu nốt trận đấu còn lại và tình huống quyết định không ăn mừng sau khi ghi bàn thắng vào lưới ĐT Đan Mạch, dù đó là bàn thắng đầu tiên của ĐT Phấn Lan trong lịch sử tại 1 kỳ EURO.

Nếu như các trọng tài, cầu thủ trên sân đã tạo nên hình ảnh đẹp của sự đoàn kết thì cổ động viên 2 đội cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và khích lệ tinh thần khi hô vang tên của Eriksen (cổ động viên Đan Mạch hô Christian thì cổ động viên Phần Lan đáp lại Eriksen).

Đặc biệt, sau trận đấu UEFA trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận Christia Eriksen và chính HLV trưởng ĐT Đan Mạch Kasper Hjulmand đã bật khóc khi nhắc về học trò của ông.

“Một đêm vô cùng khó khăn. Qua sự cố chúng tôi được nhắc nhở về điều quan trọng nhất trong cuộc sống là gì, đó là những mối quan hệ giá trị - gia đình và bạn bè. Tôi không thể ngừng khen ngợi về tập thể, bởi các cầu thủ của tôi đã chăm sóc cho nhau khi một người rơi vào tình thế nguy cấp" - HLV Kasper Hjulmand nhấn mạnh.

Christia Eriksen đã vượt qua “tử thần”, việc trở lại thi đấu được hay không còn là câu chuyện dài đối với cầu thủ này. Tuy nhiên, những hình ảnh đẹp trong sự cố không mong muốn đã được lan tỏa trên khắp thế giới, điều này giúp nhiều người có cái nhìn khác về bóng đá, nó không chỉ là một môn thể thao bạo lực hay vô bổ như nhiều đã từng nghĩ.