Nhiều năm gần đây phong trào Esports tại Hà Nội đang có những bước phát triển khá mạnh. 9 VĐV Esports Hà Nội đã có giải tại SEA Games 31 khi được thi đấu ngay trên quê nhà. Ngay sau khi SEA Games 31 kết thúc, chúng tôi đã cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) Nguyễn Xuân Cường.
VƯƠN LÊN ĐỨNG ĐẦU KHU VỰC
Trước hết xin chúc mừng Đội tuyển Esports Việt Nam đã giành được 4 HCV, 3 HCB vươn lên đứng đầu môn thi đấu này tại khu vực Đông Nam Á. Ông có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị, thi đấu tại SEA Games 31?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Vâng, trước hết xin cám ơn Báo Kinh tế và Đô thị đã bám sát và đưa tin các hoạt động của Esports Việt Nam trong thời gian qua. SEA Games 31, Esports có tổng cộng 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game: Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, FIFA Online 4, Free Fire, LMHT Tốc chiến, PUBG Mobile, Mobile Legend: Bang Bang và Đột Kích.
Có 10 quốc gia tham gia thi đấu bộ môn Esports tại SEA Games 31, với 485 VĐV, HLV và 70 trọng tài quốc tế đã có mặt tại Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam điều hành 241 trận đấu liên tục trong gần 2 tuần. Nhiều trận đấu kịch tính, hấp dẫn và có chuyên môn cao đã được diễn ra trong bầu không khí cuồng nhiệt của người xem.
Là bộ môn mới đưa vào thi đấu tại SEA Games, khán giả đón nhận Esports như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Cường: SEA Games 30 là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á là đầu tiên trong lần lịch sử, Esports được đưa vào danh sách bộ môn cạnh tranh huy chương. Có 8 quốc gia tham dự các nội dung thể thao điện tử tại kỳ SEA Games 2019, bao gồm: Philippines (chủ nhà), Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào và Singapore.
Đây là cột mốc lịch sử đánh dấu bước ngoặt của thể thao điện tử khi bộ môn này được thừa nhận như một bộ môn thể thao chính thống tính huy chương tại một kì đại hội thể thao được công nhận bởi Ủy ban Olympic Quốc tế. Sau SEA Games 2019, Esports ngày càng được thừa nhận ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và đã có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, trở thành ngành công nghiệp tỷ đô.
Esports lần này thi đấu tại 5 không gian trong Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam mà một trong những môn thể thao được trang trí đẹp nhất SEA Games 31. Các khán đài luôn kín người xem, ngoài ra số lượng người xem trên internet rất lớn, đơn cử như trận Indonesia gặp Philippines (20/5) có trên 2,2 triệu người xem, trước đó trận Việt nam gặp Indonesia (18/5) cũng có trên 1,6 triệu người xem.
Các chính khách nước ngoài như bà Low Yen Ling, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên & Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan, ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia - Thường trực Ban tổ chức SEA Games 32 đã tới dự khán các trận đấu Esports. Các quan chức này đều được chứng kiến một bầu không khí cỗ vũ tuyệt vời của khán giả Thủ đô chúng ta.
Ông có thể chia sẻ tình hình phát triển Esports tại khu vực Đông Nam Á và viễn cảnh của bộ môn này?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Esports là số ít môn thể thao không bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19. Phong trào Esports tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines khá tốt, Singapore, Malaysia đang trong giai đoạn phát triển. Thành tích Việt Nam 4 HCV, còn Thái Lan, Indonesia, Philippines mỗi nước giành 2 HCV đã phản ánh đúng tình hình phát triển Esports tại khu vực.
TỔNG HỢP THÀNH TÍCH ESPORTS SEA GAMES 31
Huy chương Vàng
Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến
PUBG Mobile (Cá nhân)
Đột Kích
Liên Minh Huyền Thoại
Huy chương Bạc
FIFA Online 4
Liên Quân Mobile
PUBG Mobile (Đồng đội)
Xa hơn Asian Games (Đại hội Thể thao Châu Á) 2018 đi tiên phong trong việc đưa Esports vào tranh tài với các môn Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại, Starcraft II, Clash Royale, Hearthstone và Pro Evolution Soccer.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang theo dõi sự xuất hiện của Esports ở những ngày hội thể thao kém quy mô hơn như Asian Games 2022 hay SEA Games 31 để đưa ra quyết định trong tương lai. Gần đây, IOC đưa ra vài tuyên bố của về viễn cảnh Esports sẽ xuất hiện ở Olympic.
Với tư cách Chủ tịch VIRESA, ông đánh giá như thế nào về thành tích của Đội tuyển Esports Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Tại SEA Games 30 chúng ta chỉ được 3 HCĐ và đứng thứ 4 nhưng lần này Esports Việt Nam giành được 4 HCV, 3 HCB là nỗ lực lớn của các HLV, VĐV. Điều đáng tự hào nữa là Esports Việt Nam là 1 trong 2 bộ môn đến tham dự SEA Games 31 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng VIRESA đã tổ chức vận động kinh phí và tuyển chọn Đội tuyển Esports Việt Nam gồm 79 thành viên (61 VĐV), chỉ xếp sau đội điền kinh về số lượng người tham gia.
Ngoài thành tích chuyên môn của Đội tuyển thể thao Esports Việt Nam, VIRESA đã làm rất tốt công tác tổ chức thi đấu SEA Games 31 được các nước đánh giá cao. Công tác bố trí sinh hoạt, tập luyện, hạ tầng kỹ thuật, điều hành giải được triển khai hết sức chuyên nghiệp.
Ngay sau khi SEA Games 31 kết thúc, ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia - Thường trực Ban tổ chức SEA Games 32 đã ký kết với VIRESA chương trình hợp tác hỗ trợ triển khai Esports ở SEA Games 32. Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia rất hài lòng khi chứng kiến khâu tổ chức của Việt Nam.
Bên cạnh thành tích chuyên môn, điều tôi tâm đắc nhất là cái nhìn của cộng đồng về Esports đã khác đi rất nhiều, nó không phải là game điện tử đơn thuần gây nên rất nhiều phiền toái cho các gia đình. Đã từng có thời gian dài, Thể thao điện tử Việt Nam rơi vào thời kỳ phát triển tự phát, không định hướng, các CLB, các đội tuyển hoạt động một cách riêng lẻ, không có sự liên kết cộng đồng, các giải đấu diễn ra không có hệ thống tạo nên những cái nhìn không tốt của xã hội khi nói về Esports.
Esports Hà Nội
Ông có thể chia sẻ những đóng góp của các VĐV Hà Nội trong thành tích chung của Esports Việt Nam tại SEA Games lần này?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Hà Nội hiện nay chưa thành lập Liên đoàn Thể thao điện tử như tại TP.HCM nhưng các doanh nghiệp GARENA, VNG, VTC đã hỗ trợ cho các CLB Esports của Thủ đô rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn. Trong thành tích chung 4 HCV, 3 HCB có sự đóng góp rất lớn của 9 VĐV của Hà Nội, đây đều là những tuyển thủ có năng khiếu, tập luyện chăm chỉ và còn có cơ hội tiến xa hơn ra đấu trường châu lục.
Câu hỏi cuối cùng: Sau những thành tích của Esports Việt Nam tại đấu trường SEA Games 31, ông kỳ vọng gì?
Ông Nguyễn Xuân Cường:
Thành công của Esports tại SEA Games 31 sẽ giúp nâng cao nhận thức của của bộ môn này tại Việt Nam, qua đó đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các sự kiện Esports lớn trong thời gian sắp tới. Ngoài ra sẽ thúc đẩy Esports trên thị trường quốc gia và tăng cường sự hiện diện, tham gia của Esports Việt Nam trên các sự kiện khu vực hay trên toàn thế giới. Các tuyển thủ Việt Nam đoạt giải tuổi đời chỉ 18-21, cho phép làm điều này.
Thành công của Esports tại SEA Games 31 sẽ giúp nâng cao nhận thức của của bộ môn này tại Việt Nam, qua đó đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các sự kiện Esports lớn trong thời gian sắp tới.
Hiện trong nhóm các nước Đông Nam Á, Esports Việt Nam đã vươn lên đứng đầu được coi là đi đầu. Tôi cho rằng đây không chỉ là một môn thể thao mà còn tạo ra nghề nghiệp mới và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, sẽ là cơ hội để cùng phát triển nếu chúng ta phát huy đúng cách, theo kịp sự thay đổi.
VIRESA sẽ sớm xúc tiến thành lập Liên đoàn Thể thao điện tử Hà Nội để điều hành các hoạt động của phong trào.
Xin cám ơn ông và chúc cho phong trào Esports Việt Nam ngày càng phát triển đúng quỹ đạo.