EU bất an vì Ba Lan và Bulgaria

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/10, các cuộc bầu cử quan trọng tại Ba Lan và Bulgaria đã được tiến hành với kết quả được đánh giá là sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) gặp khó trong tiến trình xử lý cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trong nhiều tháng qua.

Tại Ba Lan, được ủng hộ mạnh chủ yếu ở các vùng nông thôn bởi những người thân cận với Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã và theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, các ứng viên của đảng Pháp luật và Công lý có thái độ thiếu thiện chí đối với người nhập cư. Vào tuần trước, Thủ tướng Kaczynski - người đứng đầu đảng này đã có phát ngôn gây sốc cho rằng người di cư có thể đem tới Ba Lan bệnh tật và nhiều vấn đề khó giải quyết.

Bên cạnh đó, trong khi đảng Cương lĩnh công dân tìm kiếm quan hệ mật thiết hơn với EU, thì thành viên đảng Pháp luật và Công lý đã từng tuyên bố Ba Lan không tìm kiếm sự hội nhập chính trị sâu hơn với EU. Điều này cho thấy, nếu đảng Pháp luật và Công lý nắm quyền kiểm soát quốc hội, EU sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng di cư.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Bulgaria - một trong 3 thành viên của các quốc gia Balkan bất đồng gay gắt với chính sách ứng phó của EU về vấn đề di cư sẽ làm thay đổi cục diện chính trị tại nước này. Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác với các nước trong EU về vấn đề di cư. Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, người đứng đầu nội các Bulgaria nhấn mạnh, nếu Đức, Áo và các nước khác đóng cửa biên giới, 3 nước Balkan là Bulgaria, Serbia và Romania sẽ không chấp nhận để trở thành vùng đệm cho các luồng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với đời sống chính trị của Ba Lan và Bulgaria, cuộc bầu cử tại 2 nước này dù có kết quả như thế nào cũng sẽ làm thay đổi cả “cuộc chơi” mang tên khủng hoảng di cư mà các nước chủ chốt trong EU đang dẫn dắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần