EU bất đồng về xem xét cấm vận ngành năng lượng của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp ở Luxembourg hôm 11/4, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.

Các quốc gia thành viên EU bất đồng về xem xét cấm vận ngành năng lượng của Nga. Ảnh: RT
Các quốc gia thành viên EU bất đồng về xem xét cấm vận ngành năng lượng của Nga. Ảnh: RT

Theo hãng tin RT, thông tin trên được Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết hôm 11/4. Ông Borrell nói thêm rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục. Lệnh cấm vận năng lượng được cho là một phần trong kế hoạch áp thêm biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.

“Trước hết, chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành để tránh những lỗ hổng trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thảo luận về các bước đi mới có thể thực hiện, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu khí của Nga,” ông Borrell nói.

Trong khi EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước thành viên vẫn đang quan ngại về việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Moscow. Đó là bởi vì nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga.

Do đó, Hungary đã phủ quyết lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga, nói rằng đây là lựa chọn duy nhất, vì quốc gia này nằm trong đất liền và sẽ không thể trực tiếp nhận khí đốt hóa lỏng từ Mỹ.

Ông Borrell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước EU cần giảm dần phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cho rằng mua khí đốt từ Moscow là “tài trợ cho chiến tranh”. Tuy nhiên, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU thừa nhận không thể ngay lập tức cắt giảm 55% sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Quan chức EU lưu ý thêm rằng liên minh này phải giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga “càng sớm càng tốt” và đề xuất bắt đầu với dầu mỏ. 

Kinh tế châu Âu được dự báo sẽ gánh nhiều tác động tiêu cực nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. EU hiện đang nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và hơn 30% dầu mỏ từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc kỹ lượng các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/4, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẵn sàng chấp nhận cơ chế chi trả bằng đồng rúp cho việc mua khí đốt Nga để đảm bảo an ninh năng lượng.

“Đối với việc thanh toán bằng đồng rúp, chúng tôi có một giải pháp không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào, song vẫn đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Hungary,” ông Szijjarto nói và lưu ý rằng lựa chọn thanh toán hóa đơn bằng một loại tiền tệ khác thay vì đồng euro đã được đưa vào hợp đồng mua bán giữa CEE Energy - công ty con của tập đoàn năng lượng MVM của Hungary và tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom, được ký kết vào tháng 9/2021.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Nga đã yêu cầu những quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán bằng đồng rúp khi mua khí đốt của Nga. Phía Mosscow giải thích rằng người mua giờ đây sẽ phải chuyển các khoản thanh toán khí đốt bằng đơn vị tiền tệ mà họ lựa chọn vào tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó ngân hàng này sẽ chuyển đổi  thành đồng rúp và gửi đến tập đoàn khí đốt Gazprom.

Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên có hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng đồng euro hoặc USD nên tuân thủ các kế hoạch thanh toán ban đầu của họ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nhấn mạnh rằng, Hungary phản đối cách tiếp cận chung này và coi việc chi trả cho khí đốt Nga là vấn đề riêng của mỗi quốc gia.

Trước đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban cũng tuyên bố nước này sẽ không nhượng bộ trước áp lực của EU và sẽ không ủng hộ các hạn chế đối với nguồn cung năng lượng từ Nga vì đây là “lằn ranh đỏ” đối với Hungary. Budapest lưu ý rằng 85% lượng khí đốt tiêu thụ ở Hungary được nhập khẩu từ Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần