Không có bất kỳ quyết định cụ thể nào được đưa ra tại hội nghị lần này, nhưng các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tốt cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm. Đó là thông báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại buổi họp báo chung ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong ngày 23/10 ở Brussels, Bỉ nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công chưa có tiền lệ ở EU. Thông báo cho biết hội nghị đã thảo luận ba vấn đề chính là ổn định tình hình Hy Lạp, cơ cấu lại vốn cho các ngân hàng châu Âu và tăng cường quỹ cứu trợ của khu vực đồng euro. Các nhà lãnh đạo EU dự định sẽ công bố các chi tiết liên quan kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của nhóm, dự kiến được tổ chức vào ngày 26/10 tới. Theo Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy, EU đang đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là, đảm bảo để các nhà đầu tư trái phiếu không bị thiệt hại nhiều, với mục đích khuyến khích họ tiếp tục mua trái phiếu của những nền kinh tế yếu kém. Hai là, thành lập quỹ thứ hai nhằm thu hút sự hỗ trợ của những nước ngoài EU như Trung Quốc, mặc dù vấn đề này hiện đang gây tranh cãi. Lãnh đạo EU hy vọng sáng kiến tài chính mới có thể giúp EU huy động tới một nghìn tỷ euro để giữ ổn định cho các thị trường tài chính đang biến động. Cũng theo ông Rompuy, EU có thể phối hợp cả 2 sự lựa chọn này nhằm đưa ra một biện pháp hiệu quả hơn. Hội nghị đã khai thông 2 vấn đề phức tạp gây tranh cãi lâu nay gồm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Hy Lạp và đảm bảo để các ngân hàng có đủ nguồn lực vượt qua những mất mát này. Dù không đưa ra con số cụ thể, song lãnh đạo EU đang thuyết phục các ngân hàng chấp nhận phần thiệt hại ít nhất 50% lượng trái phiếu mà họ nắm giữ của Athens. EU cũng muốn các ngân hàng này tăng dự trữ vốn nòng cốt, ước tính lên tới 107 đến 108 tỷ euro, nhằm đảm bảo những mất mát này không đẩy họ vào tình trạng sa lầy. EU cũng đã thống nhất lập trường khi tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 3-4/11 tới ở Cannes, Pháp. Theo đó, EU kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, tăng cường việc điều phối tài chính và giải quyết tình trạng giá hàng hóa biến động quá mức. Nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công tái diễn, EU cam kết sẵn sàng thay đổi các hiệp ước của tổ chức này, tạo điều kiện pháp lý để Khu vực đồng euro hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm các quy định của EU. Các nước thành viên EU không tham gia Khu vực đồng euro, đứng đầu là Anh, phản đối vì lo ngại ý tưởng này khiến họ bị cô lập. Theo các nhà quan sát, dư luận giờ đây tập trung vào cuộc họp ngày 26/10 tới của EU trong nỗi ám ảnh rằng các thị trường tiền tệ có thể tan vỡ nếu EU không đưa ra được một "gói giải pháp toàn diện" cho vấn đề khủng hoảng nợ công trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Cannes.