Ngày 24/6, lãnh đạo các nước EU kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh tại Brussels với các thảo luận về tình hình kinh tế, trong đó trọng tâm là việc chuẩn bị kế hoạch ứng phó với kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt ngay trong những tháng tới, đồng thời vạch ra chiến lược năng lượng mới để kiên quyết chấm dứt nguồn cung giá rẻ từ Nga.
Sự kiện đáng chú ý trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh EU là việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU. Trong ngày họp thứ hai, lãnh đạo các nước EU dành phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề kinh tế, trong đó có mối lo lạm phát và nguy cơ khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến sự tại Ukraine và việc Nga bắt đầu cắt giảm mạnh các nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
"Lạm phát đang là mối quan tâm lớn đối với tất cả các nước EU. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lương thực, năng lượng và hàng hóa tăng cao” - người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết tại cuộc họp báo sau khi kết thúc thượng đỉnh hôm 24/6.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù không đưa ra được một quyết sách cụ thể nào nhưng nguyên thủ các nước EU đã cùng ra tuyên bố cho biết “thời kỳ năng lượng giá rẻ đã chấm dứt” và EU sẽ không quay lại với các nguồn cung dầu mỏ, khí đốt cũng như than đá từ Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nói rằng nguyên thủ các nước EU đã giao nhiệm vụ cho cơ quan này tìm mọi cách đảm bảo nguồn cung năng lượng với giá hợp lý cho châu Âu. Theo bà Ursula von der Leyen, trong tháng 7 tới Ủy ban châu Âu sẽ đệ trình lên Hội đồng châu Âu một bản kế hoạch về các biện pháp chuẩn bị để ứng phó với kịch bản Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho các nước châu Âu.
Bà von der Leyen thông báo thêm rằng Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất để thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới.
Theo bà Ursula von der Leyen, EU đang tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế khí đốt của Nga, trong đó nguồn cung cấp LNG của Mỹ trong năm nay tăng 75% so với năm 2021 và lượng khí đốt từ đường ống của Na Uy tăng 15%.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, EU đã nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga, tương đương 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU.
Hiện các nước châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế để bù đắp lỗ hổng khí đốt để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông năm nay khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm sẽ tăng vọt.
Lo ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng đang ngày càng gia tăng với các nước châu Âu khi trong 2 tuần qua, Nga bắt đầu cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho các nước châu Âu, đặc biệt là Đức. Các nước châu Âu cho rằng Nga đang “vũ khí hoá năng lượng” nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt với Nga do cuộc chiến tại Ukraine, dù phía Nga khẳng định, việc cắt giảm này hoàn toàn vì nguyên nhân kỹ thuật.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hồi tuần trước đã giảm 60% lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream 1 do phải dừng hoạt động một tua-bin khí vì vấn đề kỹ thuật.
Nga trước đó đã ngừng vận chuyển khí đốt cho Ba Lan, Hà Lan và nhiều nước khác vì các nước này từ chối thanh toán các hợp đồng mua bán khí đốt bằng đồng rúp - quy định mà Moscow đưa ra nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn từ các biện pháp trừng phạt của nước ngoài.