Đức và Pháp vốn có quan hệ thương mại làm ăn với Iran, khẳng định vẫn cam kết thực thi Thỏa thuận hạt nhan Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong khi đó Anh cũng có quan điểm tương tự. Ngoại trưởng 3 nước này có kế hoạch gặp nhau vào ngày 15/5 tới để thảo luận hướng giải quyết tình hình mới.
Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp giải quyết khủng hoảng với Iran tại London (Anh) ngày 14/5 tới, nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân này.
Các nước EU nỗ lực bảo vệ các lợi ích tại Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Các nước EU đang nỗ lực tổ chức hoạt động ngoại giao dày đặc sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 8/5 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời khẳng định sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhất nhằm vào Iran liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.
Quyết định của Mỹ đồng nghĩa với nguy cơ các biện pháp trừng phạt sẽ được tái áp dụng đối với bất cứ công ty nước ngoài nào đang làm ăn kinh doanh với Iran.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cần thảo luận cách cứu thỏa thuận lịch sử trên khi không có Washington. Thủ tướng Merkel khẳng định Berlin sẽ tiếp tục có trách nhiệm với thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức).
Ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc điện đàm thảo luận giải pháp để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran. Hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì JCPOA đối với an ninh quốc tế và khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng không thể chấp nhận rằng "Mỹ là cảnh sát kinh tế của hành tinh này" và cho biết các nước EU sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn trừng phạt lên Ủy ban châu Âu (EC).
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí rằng cần đàm phán thêm để thảo luận các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ tác động như thế nào đến các công ty nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Tehran.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh, bà May đã nói với ông Trump rằng Anh và các đối tác châu Âu vẫn "cam kết chắc chắn" để đảm bảo thực thi Thỏa thuận hạt nhân Iran, coi đây là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cùng Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin cân nhắc các biện pháp miễn hoặc hoãn áp dụng trừng phạt đối với các công ty đã có mặt tại Iran. Ông Le Maire đang tìm kiếm miễn giảm cụ thể cho các doanh nghiệp Pháp làm ăn ở Iran, bao gồm Renault, Total, Sanofi, Danone và Peugeot. Bộ trưởng Scholz cũng đã yêu cầu các biện pháp cụ thể để giúp các công ty Đức kinh doanh tại Tehran, theo tờ Handelsblatt.
Theo Thỏa thuận JCPOA ký năm 2015, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt.
Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA thỏa thuận hạt nhân đã vấp phải sự phản đối của Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Đức và Anh - 3 nước đồng minh châu Âu quan trọng của Washington và cũng là các bên ký JCPOA.. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông.