Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU sẽ “gậy ông đập lưng ông” nếu tịch thu tài sản đóng băng của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng việc EU tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine có thể làm tổn hại vị thế của đồng tiền chung của châu Âu.

RT đưa tin, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos hôm 29/11 cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) không nên sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.

EU, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt Moscow. Ảnh: 
EU, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt Moscow. Ảnh: 

“Chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng vì điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của đồng euro. Cần nhìn xa hơn cuộc xung đột này. Euro là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới và chúng ta phải tính đến danh tiếng lâu dài của nó” - ông Luis de Guindos cảnh báo khi trả lời phỏng vấn các hãng tin De Standaard và La Libre Belgique hôm 29/11.

Ông Luis de Guindos lưu ý, mặc dù ECB “ủng hộ việc giúp đỡ và hỗ trợ Kiev bằng mọi cách có thể”, nhưng vẫn có “những giải phátp khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine”.

Tuy nhiên, vị quan chức này không bác bỏ hoàn toàn ý tưởng sử dụng nguồn tiền bị đóng băng của Nga và cho rằng đó “phải là một quyết định toàn cầu, lý tưởng nhất là có sự tham gia của tất cả các thành viên G7”.

Trước đó, hôm 28/11, hãng thông tấn STT của Phần Lan tiết lộ, gói trừng phạt mới của EU đối với Nga có thể cho phép các quốc gia thành viên sung công tài sản của những người Nga bị trừng phạt từ chối bán nó.

Cụ thể, hãng STT cho biết, các tài sản đang bị “đóng băng” này có thể được “giải phóng” trong 6 tháng để cho phép chủ sở hữu của chúng liệt kê với mục đích bán. Và nếu những người sở hữu chúng không muốn bán thì khối tài sản đó sẽ bị tịch thu.

Các đề xuất trên, có thể nằm trong gói trừng phạt thứ 12 hiện đang được các nhà lập pháp EU tranh luận, được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền Phần Lan kiểm soát đấu trường thể thao và sự kiện lớn nhất Helsinki.

Nhà thi đấu Helsinki Halli (trước đây là Hartwall Arena), thuộc sở hữu của các doanh nhân người Nga là Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg và Boris Rotenberg. Nơi này đã bị đóng cửa từ cuối tháng 2/2022 vì biện pháp trừng phạt Nga.

Giới chức thủ đô Helsinki đã phàn nàn rằng họ đang thiệt hại hơn 100 triệu euro (khoảng 110 triệu USD) mỗi năm do không thể sử dụng địa điểm này. Vào tháng 9, người quản lý hồ sơ của tỷ phú Timchenko nói với tờ báo Helsingin Sanomat rằng chủ sở hữu nhà thi đấu đã cho phép bán địa điểm.

EU, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga như một phần của các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Các quốc gia phương Tây đã cân nhắc trong nhiều tháng về cách tịch thu số tiền này để hỗ trợ Ukraine, bất chấp nhiều cảnh báo rằng, các biện pháp như vậy có thể gây nguy hiểm cho uy tín của hệ thống tài chính và các đồng tiền phương Tây.

Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Mỹ hôm 7/11 vừa qua đã phê chuẩn dự thảo luật có tên là "Đạo luật REPO dành cho người Ukraine", cho phép Tổng thống Mỹ tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ, ngoại trừ tài sản ngoại giao.

Theo dự luật này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ có thể sử dụng số tiền này để tài trợ cho các nỗ lực tái thiết và viện trợ nhân đạo của Ukraine.

Về phần mình, Moscow nhiều lần tuyên bố việc đóng băng tài sản của nước này là hành vi trộm cắp và lập luận rằng việc này sẽ làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8/11 đã cảnh báo Mỹ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển giao các tài sản này đến Ukraine.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép "hoán đổi" tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị phong tỏa ở Nga với tài sản bị đóng băng của người Nga ở nước ngoài.