70 năm giải phóng Thủ đô

EU sẽ nối lại đàm phán thương mại với Mỹ bất chấp leo thang căng thẳng về thuế quan

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sau nhiều tháng trì hoãn do sự phản đối của Pháp.

Trước đó, hôm 11/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được sự đồng ý từ đại diện của các nước thành viên EU để bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán nhằm hàn gắn quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU.

       EU nhất trí khởi động đàm phán thương mại với Mỹ.

Tại cuộc họp của EC ở Brussels (Bỉ) diễn ra ngày 11/4, các nước thành viên EU đã bỏ phiếu với tỷ lệ đa số thông qua đề xuất tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ do EC khởi xướng. Trong khi đó, Pháp bỏ phiếu chống và Bỉ bỏ phiếu trắng.

Theo báo cáo, EC, cơ quan điều phối chính sách thương mại của 28 nước thành viên EU, muốn bắt đầu đàm phán thương mại theo hai lộ trình, một mặt cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa công nghiệp, mặt khác nới lỏng các quy định cho phép hàng hóa của các công ty tại hai bên đáp ứng các tiêu chuẩn của EU hoặc Mỹ.

Các quốc gia thành viên khác ủng hộ các lộ trình trên, song Pháp đã phản đối do Paris muốn loại trừ lĩnh vực nông nghiệp khỏi các cuộc đàm phán và muốn thảo luận về các điều khoản liên quan đến biến đổi khí hậu.
Mỹ và EU bắt đầu tình trạng bất đồng thương mại liên quan đến chính sách thuế quan hồi năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao hơn đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU. Châu Âu đã trả đũa bằng thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ.
Hồi tháng 7 năm ngoái, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng leo thang căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của EU.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Mỹ vừa cảnh báo sẽ áp thuế một số hàng hóa của EU với tổng trị giá lên tới 11 tỷ USD với cáo buộc khối này đã trợ cấp cho hãng máy bay Airbus.
Bình luận về kế hoạch áp thuế mới của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng Mỹ và EU "không thể cho phép" một cuộc xung đột mới liên quan đến hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu.
Đáp lại, EU cũng cáo buộc Mỹ đã dành sự hỗ trợ cho tập đoàn sản xuất máy bay Boeing không công bằng, bao gồm việc nhượng bộ thuế và xử lý vấn đề tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).