(Nguồn: europa.eu)
Thay vì tập trung vào thông qua ngân sách năm 2013, vòng đàm phán lần này "sa lầy" vào phần thiếu hụt lên tới 8,9 tỷ euro (11,3 tỷ USD) chi tiêu trong năm 2012. Các nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU - gồm Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Phần Lan và Thụy Điển - đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng 15 tỷ euro trong ngân sách dự trữ để lấp đầy "lỗ hổng" nói trên. Tuy nhiên, EC cho biết các nguồn dự trữ này đã cạn kiệt, đồng thời đề nghị giảm hóa đơn thanh toán trong năm 2012 bằng cách khấu trừ 1,4 tỷ euro không được thanh toán trong thời gian này.
Đối với ngân sách 2013, EC và EP đang tìm kiếm một sự gia tăng 6,8%, lên 138 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, song những nước đóng góp chính lại tìm cách cắt giảm mạnh với lý do để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm chi tiêu và chương trình "thắt lưng buộc bụng" ở hầu hết các nước thành viên EU. Pháp, Phần Lan và Đức muốn giảm 5 tỷ euro trong khi Anh đưa ra con số cao hơn. EP và các nước thành viên dự định nối lại các cuộc đàm phán này vào ngày 13/11 tới.
Theo các nhà quan sát, thất bại trong các cuộc đàm phán về ngân sách năm 2013 của EU báo điềm xấu đối với hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này bàn về ngân sách dài hạn 2014-2020, dự kiến diễn ra trong các ngày 22-23/11 tới. Thất bại này cũng đe dọa tương lai của một loạt chương trình xã hội, trong đó có kế hoạch trao đổi sinh viên mang tên Erasmus và kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân động đất ở Italy.
Cũng trong ngày 9/11, nhóm "Bộ ba" chủ nợ - gồm EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu đàm phán với Cộng hòa Síp nhằm đi đến thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ dành cho quốc đảo đang gặp khó khăn về tài chính này.
Nguồn tin Chính phủ Síp cho biết đàm phán đạt tiến bộ, song hai bên vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Nicôxia khẳng định sẵn sàng và quyết tâm làm việc tích cực nhằm đi đến thỏa thuận cho vay càng sớm càng tốt. Nhóm "Bộ ba" sẽ ở lại Síp cho đến tuần tới và tập trung thảo luận về mức độ cắt giảm chi tiêu trong khu vực nhà nước của Cộng hòa Síp.
Tháng 6 vừa qua, Cộng hòa Síp đệ đơn xin cứu trợ vỡ nợ từ EU sau khi các định chế cho vay lớn nhất của nước này như Cyprus Popular Bank và Bank of Cyprus không thể đáp ứng những mức trần mới về vốn dự trữ, do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.